Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1 của Nga, ông Putin cho rằng việc Mỹ “bơm một lượng lớn tiền” cho nền kinh tế của nước này như một biện pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, đã dẫn đến lạm phát và “sự bất ổn trên thị trường lương thực vì trước hết điều đó khiến giá thực phẩm gia tăng”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý, “chính sách thiển cận của các nước châu Âu và trên hết là Ủy ban châu Âu trong lĩnh vực năng lượng”, là một nguyên nhân khác dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng.
“Ngoài ra, còn những vấn đề khác, chẳng hạn như châu Âu đã không lắng nghe yêu cầu khẩn cấp của chúng tôi về duy trì các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn cho châu Âu. Hơn nữa, họ còn bắt đầu chấm dứt hợp đồng. Điều này đã tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng châu Âu, khiến giá cả leo thang. Nga hoàn toàn không liên quan gì đến việc đó”, ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cho biết thêm, ngay khí giá khí đốt gia tăng, giá phân bón cũng “ngay lập tức gia tăng vì một số loại phân bón được sản xuất nhờ vào việc sử dụng khí đốt. Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau. Chúng tôi đã cảnh báo về điều này và chúng không liên quan đến bất cứ hoạt động quân sự nào của Nga”.
Điện Kremlin tuần trước khẳng định, Moscow sẵn sàng "đóng góp nỗ lực đáng kể" để tránh khủng hoảng lương thực, thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, nếu phương Tây dỡ bỏ "các hạn chế mang động cơ chính trị" đối với Nga.
Trước đó, các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại, cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ khiến thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng ngang bằng, thậm chí vượt xa cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và đầu những năm 1980. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc chiến dịch quân sự mà Moscow đang thực hiện là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá ở Mỹ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu./.