Diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về khủng hoảng Ukraine dường như khiến cho công chúng thêm bối rối khi ông tuyên bố chắc nịch rằng Kosovo ly khai khỏi Serbia “sau một cuộc trưng cầu dân ý”.

co%20albania%20nguoi%20kosovo.jpg
Người Kosovo cầm cờ Albania hồi tháng 2/2014, khi kỷ niệm 6 năm tuyên bố độc lập khỏi Serbia (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, những thính giả lắng nghe một cách chú ý đã nhanh chóng chỉ ra chỗ nhầm lẫn trong kiến thức lịch sử của vị Tổng thống này – thực sự thì không có trưng cầu dân ý chính thức nào ở Kosovo.

Tổng thống Obama khi đó đang phát biểu tại Trung tâm Mỹ nghệ ở trung tâm Brussels, Bỉ vào hôm 26/3. Ngài Obama lúc đó diễn thuyết trước đám đông thanh niên với nội dung chủ yếu là về xung đột Nga-Ukraine trong vấn đề bán đảo chiến lược Crimea.

Ông Obama đã chỉ trích Nga vì “vi phạm luật quốc tế, tấn công chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Ông hồi tưởng lại xung đột Kosovo và sự dính líu của NATO, phản pháo lại các tuyên bố của các quan chức Nga, trong đó họ viện dẫn việc Kosovo tách khỏi Serbia năm 2008 làm tiền lệ.

Vị nguyên thủ Mỹ nói: “Và Kosovo chỉ rời bỏ Serbia sau một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức không hề nằm ngoài ranh giới luật pháp quốc tế, mà là trong sự hợp tác cẩn trọng với Liên Hợp Quốc và với các lân bang của Kosovo. Chả có điều gì như thế suýt diễn ra ở Crimea”.

Nhưng sự thật là, “cũng chẳng có điều gì như thế suýt xảy ra” ở Kosovo cả.

Diễn biến thực sự ở Kosovo

Sau khi NATO ném bom Nam Tư cũ trong 3 tháng vào năm 1999, Kosovo đã được dưới sự quản lý của Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Kosovo (UNMIK). Một lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO cầm đầu (KFOR) được phép vào tỉnh này.

Hai năm sau khi UNMIK và KFOR tới đó, vào ngày 14/5/2001, Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn một “khung hiến pháp cho một chính quyền tự trị lâm thời ở Kosovo”.

Khung này kêu gọi lập ra một nghị viện 120 ghế, với nhiệm vụ bầu ra một tổng thống và một thủ tướng.

Tháng 11/2001, Kosovo tổ chức bầu cử nghị viện đầu tiên mà Liên Hợp Quốc chào đón như một “thành công” lớn.

Năm 2005 trở nên có ý nghĩa lớn đối với Kosovo khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan bổ nhiệm Marti Ahtisaari lãnh đạo tiến trình thay đổi quy chế của Kosovo – động thái tương đương với việc bật đèn xanh để tỉnh này đấu tranh đòi độc lập.

Sau vô số hội đàm với cả các quan chức Serbia và Kosovo, vào năm 2007 ông Martti Ahtisaari đưa ra kế hoạch bao gồm “10 nguyên tắc hướng dẫn”, trong đó vạch ra thẩm quyền và cơ cấu rộng lớn cho chính quyền Kosovo.

“Kế hoạch Ahtisaari” thể hiện sự thỏa hiệp giữa hai bên. Nó mang lại những điều khoản rộng rãi cho quyền tự trị của Kosovo, bao gồm quyền được gia nhập các thỏa ước quốc tế và trở thành thành viên các tổ chức quốc tế.

Kế hoạch được Nhóm Liên lạc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nga) và Kosovo ủng hộ nhưng lại thiếu sự nhất trí của Serbia. Cuối cùng Nga đã bác bỏ kế hoạch trên. Tuy nhiên bất chấp thế bế tắc trong nội bộ Nhóm Liên lạc, giới chức Kosovo vẫn quyết định tuyên bố độc lập vào tháng 2/2008.

Vào ngày 17/2/2009, quốc hội Kosovo thông qua một bản tuyên ngôn độc lập “hoàn toàn theo các khuyến nghị của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc là Martti Ahtisaari”. Cùng ngày, Mỹ và 4 nước châu Âu công nhận Kosovo là một nước độc lập.

“Không thể sáng tạo ra dữ kiện lịch sử”

Sử gia Serbia Nebojsa Malic nói với đài RT của Nga: “Tôi thành thực không hiểu Tổng thống Obama đang nói về điều gì”. “Chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu như thế. Nó không tồn tại”.

Trong khi đó trên Twitter, cư dân mạng cũng không bỏ qua phút nói hớ của ông Obama. Họ tố ông đã “nói dối về cuộc trưng cầu”.

Theo sử gia Malic, có lẽ người chấp bút diễn văn cho ông Obama “nhầm với cuộc trưng cầu dân ý ở Montenegro diễn ra vào năm 2006”.

Tuy nhiên ngay cả khi nói đến trưng cầu ở Montenegro thì sử gia Malic cũng cho rằng cuộc trưng cầu này được tổ chức trong những “hoàn cảnh hết sức mờ ám”.

Thực sự thì cũng đã có một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ở Kosovo. Nhưng đó là vào năm 1991 và chỉ có duy nhất một nước thành viên Liên Hợp Quốc công nhận, đó là Albania./.