Mệnh lệnh đặc biệt

Hãng tin CNN dẫn lời các quan chức cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ ngày 3/4 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ đạo các tướng lĩnh Triều Tiên không tiến hành bất cứ hoạt động nào nằm ngoài kế hoạch vài ngày, thậm chí vài tuần trước khi ông đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

kim_cdio.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hà Nội. Ảnh: New York Times.

Một quan chức Mỹ cho biết, ông Kim Jong Un lo lắng bất kỳ hành động sơ suất nào của các lực lượng quân đội Triều Tiên sẽ làm gia tăng căng thẳng trước thềm hội nghị. Chính vì vậy, ông đã đưa ra những mệnh lệnh cụ thể, yêu cầu quân đội phải “án binh bất động” và không di chuyển trên thực địa tại thời điểm đó. Tuy nhiên, mệnh lệnh của ông Kim Jong Un không liên quan đến các bãi thử tên lửa và hạt nhân vốn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà lãnh đạo này.

Mục tiêu của nhà lãnh đạo Triều Tiên là đảm bảo duy trì các biện pháp xây dựng sự tin tưởng giữa các bên, đặc biệt tại khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, nhằm thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Quan chức nêu trên nhận định, với một loạt bước đi thiện chí cùng những mệnh lệnh chưa được tiết lộ nêu trên, ông Kim Jong Un nghĩ rằng có thể thuyết phục được Tổng thống Trump dỡ bỏ trừng phạt mà không cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng thất bại tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cho thấy “ông đã đánh giá thấp Tổng thống Trump”. Các lực lượng quân đội Triều Tiên sau đó đã trở lại trạng thái bình thường.

Mệnh lệnh này của ông Kim được cho là đã giảm đáng kể khả năng các đơn vị quân đội Triều Tiên vô tình mắc sai lầm. Phía Mỹ cũng không tìm thấy bằng chứng về một hành động khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng lúc đó. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết họ không phát hiện dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh, thử tên lửa hay thử hạt nhân  trong tương lai gần. Ưu tiên của ông Kim Jong Un có lẽ vẫn là thuyết phục Mỹ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và thiết lập thêm nhiều mối quan hệ kinh tế với Hàn Quốc, và quan trọng hơn là tiến tới kéo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra khỏi lập trường của Mỹ về phi hạt nhân.

Mỹ vẫn cứng rắn

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ hôm 2/4 cho biết, Mỹ “sẵn sàng ứng phó” nếu lãnh đạo Kim Jong Un thay đổi lập trường giảm căng thẳng. “Tôi không thể dự đoán được những gì Tổng thống Trump sẽ quyết định trong trường hợp ông Kim Jong Un thay đổi lập trrường. Nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng ứng phó khi có bất kỳ sự cố hay cuộc khủng hoảng nào trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Joseph Dunford nói sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo.

Liên quan đến những hoạt động diễn ra tại bãi phóng tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây, ông Jeong Kyeong-doo nói rằng còn quá sớm để kết luận “liệu đó là nỗ lực của Triều Tiên nhằm có thêm một lá bài trên bàn đám phán hay liệu họ đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa thực sự”. Ông cho biết thêm, các cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp chặt chẽ với nhau để theo dõi tình hình.

Cũng trong phát biểu của mình, ông Joseph Dunford tái khẳng định, việc giảm quy mô các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Hàn Quốc không ảnh hưởng tới khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp của quân đội hai nước. “Chúng tôi hài lòng với đường hướng các cuộc tập trận mà chúng tôi đã hoạch định trong vài tháng tới, cũng như tin tưởng chúng tôi có thể duy trì tinh thần sẵn sàng ứng phó và đây là một vấn đề quan trọng khác mà chúng tôi muốn khẳng định. Chúng tôi luôn muốn tăng cường kỹ năng của quân đội trong chiến đấu, tập trung vào các nhiệm vụ liên quan đến chỉ huy và kiểm soát”.  

Bãi phóng vệ tinh Tongchang-ri. Ảnh: AP.

Còn nhiều hoài nghi

Tướng Robert Abrams, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, Mỹ vẫn chưa thấy dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên có những tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa. "Những hoạt động của họ mà chúng ta quan sát được không tương ứng với phi hạt nhân hoá", ông Robert Abrams phát biểu trong một cuộc họp Quốc hội tuần trước. Vị quan chức này cũng cảnh báo quốc hội Mỹ về nhu cầu nâng cấp hệ thống thu thập thông tin tình báo, đề phòng trường hợp căng thẳng leo thang trở lại.

CNN dẫn thông tin từ tình báo Mỹ cho biết, việc khôi phục lại các cơ sở tại bãi phóng tên lửa Tongchang-ri sẽ tạo điều kiện để Triều Tiên thực hiện một vụ phóng vệ tinh hoặc tên lửa tầm xa trong tương lai, nhưng họ tin rằng ông Kim Jong Un sẽ không thực hiện điều đó vào lúc này vì muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang theo dõi hoạt động của Triều Tiên tại bãi thử hạt nhân Yongbyon, song không cho rằng Bình Nhưỡng sắp thực hiện một vụ thử hạt nhân.

Một lý do khác để Mỹ tin Triều Tiên sẽ không có động thái gây leo thang căng thẳng là việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un sắp có cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Putin và cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo này nhiều khả năng sẽ thuyết phục Triều Tiên không thực hiện thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa mới nào. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đang cố gắng để đạt được những nhượng bộ từ Hàn Quốc.

Những nhận định nêu trên được đưa ra sau khi Mỹ tiến hành thu thập và phân tích một lượng thông tin lớn. Tuy nhiên, giới tình báo Mỹ không loại trừ khả năng vào một thời điểm nào đó, Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo tầm xa mà Mỹ không kịp thời phát hiện các dấu hiệu trước vụ phóng. Đó là lý do thỏa thuận phi hạt nhân hóa đóng vai trò quan trọng đối với việc phòng thủ của Mỹ./.