Ông Kim Jong Un - từ “người tên lửa” đến “tuyệt vời” trong mắt ông Trump

Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên hy vọng ở Liên Hợp Quốc ngày 25/9 khi tuyên bố rằng cuộc gặp lần thứ 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể diễn ra "khá sớm". Tuyên bố với giọng điệu hòa giải này trái ngược hẳn với những nhận định gay gắt của chính ông Trump năm 2017 tại Liên Hợp Quốc khi Tổng thống Mỹ gọi ông Kim Jong Un là "người tên lửa" và đe dọa sẽ "phá hủy hoàn toàn Triều Tiên" để bảo vệ chính nước Mỹ và các đồng minh.

trump_pjct.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9/2017. Ảnh: Reuters

Ông Trump đã khen ngợi ông Kim là "rất cởi mở" và "tuyệt vời" bất chấp tiến độ chậm chạp của tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ cũng ủng hộ chiến lược hòa giải của ông Trump với Triều Tiên khi Tổng thống Mỹ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới ở Liên Hợp Quốc. Nếu như trước đây, Tổng thống Trump dùng thái độ đe dọa với "lửa và giận dữ" thì nay thái độ ấy đã được thay bằng một giọng điệu mềm mỏng và lạc quan hơn. Tuy nhiên, ông Trump vẫn giữ một thái độ cứng rắn với Iran – đất nước mà ông coi là một quốc gia hạt nhân tiềm tàng và là một kẻ thù chiến lược của Mỹ.

Nói về biệt danh "người tên lửa" từng được dùng để gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ông Trump cho biết ngày 24/9 rằng: "Trước kia là một thế giới rất khác. Đó là một thời kỳ nguy hiểm. Nhưng một năm sau, mọi thứ đều đã khác nhiều".

Tổng thống Trump đã bắt đầu chuyến thăm lần thứ 2 tới Liên Hợp Quốc với một bài phát biểu ngắn về thương mại dược phẩm toàn cầu trước khi có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vừa chuyển đi một thông điệp cá nhân của ông Kim gửi tới ông Trump sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vừa diễn ra ở Bình Nhưỡng vào tuần trước.

"Ông là người duy nhất có thể giải quyết vấn đề này", ông Moon tuyên bố với Tổng thống Trump.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Chúng tôi không gấp gáp. Chúng tôi không vội vàng" về một thỏa thuận hạt nhân. Các quan chức Mỹ thì kiên quyết cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên vẫn phải diễn ra cho đến khi quốc gia này loại bỏ các chương trình hạt nhân.

Liệu sẽ có một Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 trên đất Mỹ?

Ông Trump đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực hiện các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 với Triều Tiên bất chấp ý kiến của các quan chức Mỹ về việc Bình Nhưỡng không tuân theo các cam kết từng bước phi hạt nhân hóa. Ông Pompeo ủng hộ quyết định tiến hành một cuộc gặp nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên của ông Trump dù tiến trình phi hạt nhân hóa ở quốc gia này diễn ra chậm chạp.

"Chúng tôi trải qua một thời gian dài khủng khiếp và thất bại. Chúng tôi cố gắng thực hiện các nội dung chi tiết. Chúng tôi cố gắng tiến hành từng bước một. Nhưng các nỗ lực này đều thất bại", ông Pompeo cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định: "Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên - những cá nhân có thể thực sự đưa ra những quyết định giúp quá trình này đạt được những tiến triển" với hy vọng họ có thể tạo nên những bước đột phá.

Ông Trump cho biết địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 vẫn đang được xem xét, nhưng các quan chức Mỹ thông tin rằng ông chủ Nhà Trắng hy vọng rằng hội nghị này có thể diễn ra trên đất Mỹ. Động thái này sẽ là một thách thức chính trị phức tạp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Chuyến đi tới Singapore của ông vào tháng 6/2018 cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều thực tế vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.

Ông Trump sẽ để lại dấu ấn gì trong lần 2 xuất hiện ở Liên Hợp Quốc?

Ngày 24/9, ông Trump và ông Moon đã ký một thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn Quốc, đánh dấu một trong những thành công đầu tiên của Tổng thống Mỹ trong nỗ lực tái đàm phán các thỏa thuận kinh tế với các điều khoản có lợi hơn cho Mỹ. Dù vậy, một vài quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng mong muốn khôi phục quan hệ với Triều Tiên của Hàn Quốc - thường được biết tới là "chính sách Ánh dương" có thể làm giảm sức ép của các lệnh trừng phạt lên chính quyền của ông Kim Jong Un, cản trở những nỗ lực đàm phán về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Vấn đề đe dọa hạt nhân cũng xuất hiện trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp đầu tiên của ông Trump ở New York trong bữa tối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tối 23/9. Ông Abe là người đứng lên đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump bằng những lời ngợi ca nhằm gây ảnh hưởng với vị Tổng thống khó đoán của nước Mỹ.

Ông Trump sẽ phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9 và sẽ chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo An ngày 26/9 về việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tại cả 2 cuộc họp này, các quan chức Mỹ đều cho rằng Tổng thống Trump sẽ đề xuất 2 con đường đàm phán trái ngược nhau với Triều Tiên và Iran.

Đầu năm 2018, ông Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 với cáo buộc Iran gây ảnh hưởng tiêu cực trong khu vực và hỗ trợ cho các nhóm khủng bố như Hezbollah. Vòng trừng phạt cứng rắn tiếp theo của Mỹ với Iran sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2018.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ đến New York tham dự các cuộc họp của Liên Hợp Quốc. Các quan chức Mỹ nhận định ông Trump sẽ không gặp gỡ nhà lãnh đạo Iran nhưng cũng không từ chối đàm phán nếu Iran đề xuất một cuộc gặp.

Tuy nhiên, xuất hiện trên kênh NBC ngày 24/9, ông Rouhani tuyên bố: "Sẽ không có chương trình nghị sự nào cho một cuộc gặp như vậy"./.