Theo AFP, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng không có gì đảm bảo rằng chiến dịch tìm kiếm của nhiều quốc gia có thể thành công trong việc tìm ra những mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích.

Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 25/3 cho biết khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, cách Perth 2.500km về phía Tây, là một nơi “gần như chưa từng ai biết đến”.

maybay_copy.jpg
Các phi công Australia tham gia tìm kiếm máy bay mất tích (Ảnh AFP)

Erik van Sebille, nhà Đại dương học của Trường Đại học New South Wales, cho biết địa điểm được cho là nơi chiếc máy bay bị rơi còn được biết đến với cái tên “Pháo đài gầm thét” vốn khét tiếng là nơi có nhiều sóng dữ.

“Nhìn chung, đây là nơi hoang vắng nhất và sóng to nhất trên Ấn Độ Dương. Vào mùa Đông, khi cơn bão đi qua bạn có thể thấy những con sóng cao tới 10-15m”, ông Sebille cho biết.

Tuy nhiên, ông Sebille cũng cho rằng những khu vực hẻo lánh như thế này cũng đồng nghĩa với việc các nhóm tìm kiếm sẽ khó có khả năng vớ phải những mảnh vụn là rác thải vốn trôi nổi rất nhiều tại các đại dương khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị phân tán bởi những manh mối sai lầm.

“Vùng biển này hoàn toàn hoang sơ”, ông Sebille nói và giải thích rằng: “dòng hải lưu ở đây thường chỉ chảy về hướng Bắc và hoàn toàn cách xa các khu vực tìm kiếm”.

Ông Sebille cũng nói rằng điều này đồng nghĩa với việc những vật thể lớn mà các phi công phát hiện tại đây nhiều khả năng là từ máy bay MH370.

“Nếu máy bay Malaysia bị rơi xuống đáy của bất kỳ đại dương nào khác tôi rất nghi ngờ rằng những mảnh vỡ tìm được thực sự là từ chiếc máy bay nói trên”, ông Sebille tuyên bố.

Tập đoàn Soufan của Mỹ - chuyên tư vấn về chiến lược an ninh tình báo, ví việc tìm kếm các mảnh vỡ của chiếc máy bay này trên Ấn Độ Dương như việc “tìm một cây kim trong đống rơm hỗn loạn và thay đổi liên tục”.

“Một con sóng vô tình có thể che phủ những vật thể khi mà mắt thường quét qua, ánh nắng mặt trời phản xạ lại mặt nước có thể khiến mắt thường bị lóa tạm thời, thậm chí nếu góc nhìn của người tìm kiếm chỉ lệch với các mảnh vỡ khoảng 2 độ thì cũng có thể khiến họ bỏ qua vật thể đó”, Tập đoàn này cho biết.

Ngay cả nếu như việc tìm kiếm thực sự tìm ra những mảnh vỡ của chiếc máy bay bị mất tích trên mặt biển, nhà Địa chất học Robin Beaman cho rằng những ngọn núi lửa ở dưới nước có thể ngăn cản việc trục với chiếc hộp đen từ một trong số các vực sâu của ngọn núi này.

Ông Beaman nói rằng dãy núi ở đáy Đông Nam Ấn Độ Dương trực tiếp cắt ngang khu vực tìm kiếm đồng nghĩa với việc đáy biển tại đây rất gồ ghề và liên tục bị thay đổi bởi dung nham phun ra từ núi lửa.

Ông Beaman cũng cho biết dãy núi này nằm trong khu vực “hoạt động cực mạnh” của vành đai núi lửa tại Ấn Độ Dương với độ sâu trung bình khoảng 3.000m./.