Giải Nobel Y học năm 2018 đã được trao chung cho hai nhà khoa học chuyên ngành miễn dịch là James Allison (Đại học Texas, Mỹ) và Tasuku Honjo (Đại học Kyoto, Nhật Bản) để tôn vinh phát hiện của họ về liệu pháp chữa ung thư mới.
Giải thưởng này có trị giá là 9 triệu kronor (tiền Thụy Điển, tương đương 1,01 triệu USD).
Hội đồng Nobel của Viện Karolinska Thụy Điển công bố người đoạt giải vào 11h30 giờ Thụy Điển (tức 16h30 giờ Việt Nam).
Phát hiện của hai nhà khoa học nói trên được đánh giá là bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư. Trong giải pháp của mình, hai nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản đoạt giải đã tận dụng khả năng của hệ thống miễn dịch con người để tấn công các tế bào ung thư bằng cách “nhả” các phanh hãm của các tế bào miễn dịch.
Phần giải thích về phương pháp chữa trị do 2 nhà khoa học đoạt giải đề xuất. Ảnh: Nobel Prize. |
Nhà khoa học James P. Allison (quốc tịch Mỹ) nghiên cứu một protein có tác dụng như một chiếc phanh đối với hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng “nhả phanh” và giải phóng các tế bào miễn dịch để chúng tấn công các khối u. Ông đã phát triển khái niệm này thành một cách tiếp cận mới đối với điều trị bệnh nhân ung thư.
Trong khi đó nhà khoa học Nhật Bản Tasuku Honjo phát hiện một protein trên các tế báo miễn dịch và tiết lộ rằng protein này hoạt động như một phanh hãm, với cơ chế hành động khác. Các liệu pháp dựa trên phát hiện của ông tỏ ra hiệu quả ấn tượng trong cuộc chiến chống ung thư./
Có 108 giải Nobel Y học đã được trao từ năm 1901 đến năm 2017.
Cho tới nay, 12 phụ nữ đã được nhận giải thưởng Y học danh giá này.
32 tuổi là độ tuổi của người trẻ nhất đoạt giải Nobel Y học. Đó là Frederick G. Banting, người được trao giải này vào năm 1923 vì đã phát hiện ra insulin.
Người già nhất đoạt giải này là Peyton Rous. Năm 1966, khi ông 87 tuổi, ông được trao giải Nobel cho việc phát hiện ra virus gây ra các khối u./.