Theo Reuters, một nhóm phiến quân Hồi giáo bị nghi ngờ đã bắt cóc hơn 100 nữ sinh trong một cuộc đột kích vào ban đêm tại một trường trung học của Chính phủ nằm ở thành phố Chibok phía đông bắc bang Borno, Nigeria, theo lời khai của một giáo viên hôm 15/4.
Bộ trường Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala (Ảnh Reuters) |
“Hơn 100 nữ sinh đang học tại một trường cấp hai ở Chibok đã bị bắt cóc”, ông Audu Musa, một giáo viên dạy ở một ngôi trường khác trong vùng cho biết. “Mọi thứ xảy ra quá tồi tệ và mọi người đều cảm thấy đau buồn”.
Ông Musa cho biết đã thấy 8 thi thể tại khu vực xảy ra vụ tấn công vào sáng 15/4 nhưng không thể nhận diện các nạn nhân.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan lên tiếng nghi ngờ nhóm Boko Haram là thủ phạm của vụ đánh bom cho dù nhóm này chưa hề lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc này. Boko Haram là tổ chức được cho là có liên hệ với lực lượng al-Qaeda ở Sahara và đang có các hành động chống phá Chính phủ Nigeria.
Ông Jonathan vừa trúng cử hồi tháng 2 nhưng giờ đây ông đang chịu áp lực lớn từ cuộc nổi dậy diễn ra suốt 5 năm nay đe dọa an ninh của Nigeria, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất châu Phi và mới đây được công nhận là nền kinh tế lớn nhất của lục đia đen.
Cuộc tấn công diễn ra cùng ngày với vụ đánh bom ở ngoại ô thủ đô Abuja. Vụ nổ bom đẫm máu nhất trong lịch sử ở Abuja này đã làm chết ít nhất 75 người và đặt ra câu hỏi về khả năng của Chính phủ Nigeria trong việc bảo vệ thủ đô trước một cuộc nổi dậy bắt nguồn từ nhóm Hồi Giáo cực đoan có trụ sở phía Đông Bắc.
Các cuộc tấn công của nhóm Boko Haram nhằm vào cảnh sát, quân đội và quan chức chính phủ và cả các trường học, nhà thờ đã làm cướp đi sinh mạng của hơn 2000 người chỉ trong vòng 6 tháng qua với mục đích đòi ly khai thành một quốc gia Hồi giáo khiến cho lực lượng quân đội của Nigeria gặp rất nhiều khó khăn.
Chính phủ của ông Jonathan đang chuẩn bị chủ trì Diễn đàn Kinh tế Thế giới của châu Phi ở Abuja diễn ra từ 7-9/5 với sự tham dự của nguyên thủ các nước châu Phi và các chủ doanh nghiệp lớn.
Nigeria sẽ triển khai hơn 6.000 sĩ quan cảnh sát và quân đội nhằm bảo vệ các quan khách. Các nhân viên an ninh này hoạt động trong khu vực rộng 250 km2 xung quanh nơi diễn ra hội nghị.
“Kế hoạch bảo vệ an ninh của chúng tôi cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới của châu Phi vẫn đang được tiến hành và đây là chiến dịch an ninh lớn nhất quốc gia cho một hội nghị quốc tế,” Bộ trưởng Tài chính Ngozi Okonjo-Iweala tuyên bố với các khách mời qua Reuters.
Nigeria là quốc gia với 170 triệu người gồm người Hồi giáo sống chủ yếu ở phía Bắc và người Thiên Chúa giáo tập trung ở phía Nam./.