Số liệu thống kê công bố cho thấy đây là lần đầu tiên quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất châu Phi này tính toán lại Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ năm 1990. Phần lớn các nền kinh tế trên thế giới cập nhật cách tính Tổng sản phẩm quốc nội ít nhất 3 năm 1 lần nhưng Nigeria vẫn giữ nguyên cơ sở từ năm 1990 đến nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sản lượng kinh tế Nigeria vẫn còn thấp so với tiềm năng dân số 170 triệu người, gấp 3 lần Nam Phi - Ảnh: Sunday Alamba/AP |
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn dùng số liệu kinh tế cơ bản của Nigeria từ năm 1990 để ước tính Tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong những năm tiếp theo. Theo cách tính cũ này, năm 2011, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đã dự báo được việc Nigeria vượt qua Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng là vào năm 2023.
Tuy nhiên, con số này không tính đến những ngành công nghiệp mới phát triển mạnh mẽ ở Nigeria như: công nghệ thông tin viễn thông, âm nhạc, hàng không, bán hàng trực tuyến và sản xuất phim, đều xuất hiện sau năm 1990. Sau khi cập nhật những ngành nghề và yếu tố mới vào cách tính Tổng sản phẩm quốc nội, nền kinh tế Nigeria ước đạt giá trị 510 tỷ USD trong năm 2013, vượt xa Nam Phi, nước từng giữ ngôi nền kinh tế hàng đầu châu Phi.
Các chuyên gia cho biết, việc thay đổi số liệu không có nghĩa là kinh tế Nigeria phát triển tăng vọt đột ngột mà là cả một quá trình phát triển năng động trong những năm qua của nền kinh tế này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sản lượng kinh tế Nigeria vẫn còn thấp so với tiềm năng dân số 170 triệu người, gấp 3 lần Nam Phi. Bên cạnh đó, nếu tính Tổng sản phẩm quốc nội chia cho bình quân đầu người thì Nam Phi vẫn gấp 3 lần Nigeria, do đó “ông hoàng” mới của kinh tế châu Phi vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ vững vị trí này./.