Trong một động thái có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực tìm kiếm đồng thuận của chính phủ mới tại Ai Cập, phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" - lực lượng từng dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011 - đã ra tuyên bố phản đối nội các mới của Thủ tướng Hazem El-Beblawi. Trong khi đó, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bên ngoài trụ sở Văn phòng Nội các tại trung tâm thủ đô Cairo nhằm phản đối chính phủ mới và đòi phục chức cho ông Morsi.

ung-ho-morsi.jpg
Hàng ngàn biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở nội các Ai Cập ở thủ đô Cairo đòi phục chức cho ông Morsi (Ảnh: Press TV)

Đám đông người biểu tình ngày 17/7 đã tới Quảng trường Tahrir - địa điểm tập trung của những người phản đối ông Morsi - nằm gần đó, song bị lực lượng an ninh chặn lại. Một số cuộc đụng độ nhỏ đã xảy ra tại địa điểm này. Hàng nghìn người khác tiếp tục biểu tình ngồi bắt đầu từ ngày 28/6 tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya và trường Đại học Cairo. Trong khi đó, phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" lên tiếng phản đối nội các mới với thành phần bao gồm nhiều cựu Bộ trưởng thời Mubarak. Phong trào này cho rằng, "liệu các bộ trưởng này có hoàn thành các mục tiêu của cuộc cách mạng từng chống lại chế độ của họ hay không?", đồng thời yêu cầu Phủ Tổng thống công bố kế hoạch để đảm bảo sự minh bạch.

Cộng đồng quốc tế cũng đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao hòa giải tại quốc gia Bắc Phi này. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đang ở thăm Ai Cập và có cuộc gặp với các đảng phái chính trị tại Ai Cập. Theo bà Ashton, sự kiện xảy ra sau cuộc biểu tình ngày 30/6 "không phải là một cuộc đảo chính quân sự mà là cuộc nổi dậy của người dân".

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns cũng có chuyến thăm tới Ai Cập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức chính phủ Mỹ đến Ai Cập sau khi Tổng thống Morsi  bị phế truất. Ông William Burns nhấn mạnh, Mỹ không đưa ra mô hình nào để áp đặt cho Ai Cập và Mỹ không ủng hộ riêng đảng nào hoặc cá nhân nào. Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập trong thời kỳ quá độ chính trị.

Phát biểu khi đang ở thăm Trung Đông ngày 17/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Ai Cập đã tránh được một cuộc nội chiến có thể xảy ra. Đề cập sự kiện xảy ra sau cuộc biểu tình ngày 30/6 có thể là một cuộc đảo chính hay không, ông Kerry cho biết, Mỹ không vội vàng đưa ra đánh giá. Ông Kerry nói: “Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về quyết định của lực lượng quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống và dừng Hiến pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để đánh giá những gì diễn ra bởi tính phức tạp của tình hình”.

Theo luật của Mỹ, Washington sẽ cắt viện trợ cho Ai Cập nếu có quyết định "sự kiện phế truất Tổng thống Morsi là một cuộc đảo chính". Các quan chức Mỹ cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thực tế không có mong muốn cắt khoản viện trợ này vì điều đó sẽ tổn hại đến lợi ích của Mỹ tại Trung Đông./.