Mặc dù thời điểm diễn ra Hội nghị đã được ấn định. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của các bên có thể khiến Hội nghị này đổ vỡ bất cứ lúc nào. 

Ngoại trưởng Nga Lavrov và đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria, ông Brahimi, hôm 26/10 nhất trí tiếp tục các công việc chung liên quan đến việc triệu tập Hội nghị quốc tế Geneva 2 về Syria. 

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov và đặc phái viên Brahimi đồng ý tiếp tục nỗ lực tổ chức các cuộc tham vấn ở Geneva, Thuỵ Sỹ vào ngày 5/11 tới giữa Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc. 

Đàm phán tại Geneva 2 liệu có giúp hồi sinh một Syria tan hoang vì nội chiến? (Ảnh AFP)

Cũng trong cuộc điện đàm, đặc phái viên Brahimi thông báo cho Ngoại trưởng Nga Lavrov về chuyến thăm tới một loạt nước Trung Đông trong nỗ lực kêu gọi các quốc gia này tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria và các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước Arab liên quan tới việc chuẩn bị cho hội nghị quốc tế Geneva 2 về Syria. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục các nỗ lực của đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria trong việc thành lập một phái đoàn duy nhất đại diện cho lực lượng đối lập ở Syria để đàm phán với chính phủ nước này, cũng như đảm bảo sự tham gia của các nước trong khu vực tại hội nghị Geneva 2.

Cũng trong ngày 26/10, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, Iran trong nỗ lực xúc tiến tổ chức Hội nghị Geneva 2, ông Brahimi hy vọng cộng đồng quốc tế có thể giúp giải quyết cuộc xung đột tại Syria: “Vấn đề tại Syria tiếp tục phức tạp khi đã đi đến một giai đoạn mà các bên không thể ngồi lại và đàm phán với nhau. Đó là lý do tại sao họ cần sự trợ giúp để cùng ngồi vào bàn đàm phán, nêu ra những việc cần phải làm nhằm đi đến một giải pháp.

Trong trường hợp họ không thể giải quyết được thì cộng đồng quốc tế sẽ giúp họ giải quyết. Liên quan đến Hội nghị quốc tế Geneva, tôi hy vọng, Hội nghị này sẽ huy động các khả năng quốc tế để giúp Syria có thể giải quyết vấn đề của mình".

Theo dự kiến, Hội nghị Geneva 2 sẽ diễn ra vào ngày 23/11 tới, nhưng xét theo tình hình hiện nay, khả năng sự kiện này có được tổ chức hay không vẫn chưa chắc chắn. Ngoài bất đồng khó hóa giải giữa các bên, "động thái ngược chiều" của phe đối lập và "những người bạn" của Syria yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi để làm điều kiện để ngồi vào bàn đàm phán đang khiến chặng đường gian nan tới Geneva thêm dài hơn.

Ngày 22/10 vừa qua, Hội đồng Dân tộc Syria của phe đối lập vẫn phớt lờ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế tham gia Hội nghị. Họ tuyên bố, sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad như điều kiện tiên quyết để có thể ngồi vào bàn đàm phán. Còn tại cuộc họp của nhóm "Những người bạn của Syria" ở London, Anh, ngày 22/10, các nước Arab, phương Tây và phe đối lập Syria đã tuyên bố ông Assad  không nên giữ vai trò trong chính phủ tương lai của nước này.

Phản ứng trước tuyên bố trên, chính quyền Damascus khẳng định sẽ không có một thế lực bên ngoài nào có thể tham gia vào việc quyết định ban lãnh đạo mới của Syria. Còn Tổng thống Assad cũng vừa tuyên bố sẵn sàng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tất cả những động thái trên cho thấy, tương lai của Geneva 2 là hết sức mù mịt. 

Cuộc khủng hoảng Syria đã qua thời "nước sôi lửa bỏng" sau khi nỗi lo về một cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào nước này được giải tỏa và mối đe dọa tái diễn thảm kịch vũ khí hóa học không còn treo lơ lửng. 

Tuy nhiên, những tiến triển trong lộ trình tiêu hủy loại vũ khí hóa học tại Syria vẫn chưa đủ để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm rưỡi qua ở nước này. 

Ðưa các bên xung đột vào bàn đàm phán là giải pháp căn bản, trong đó hội nghị Geneva 2 là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn nằm trong tay các bên xung đột ở Syria cùng những toan tính lợi ích của bên ngoài. Thực trạng hiện nay càng khiến cơ hội cho Hội nghị Geneva 2 trở nên mong manh hơn. Ðường tới Geneva vì thế mà xa hơn, nhiều trở ngại hơn./.