Nhóm thượng nghị sỹ, do chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch dẫn đầu, cho rằng, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức dọc theo biển Baltic, sẽ gây tổn hại tới các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trong đó có Ukraine.
Tổng thống Biden bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với dự án này từ đầu năm nay như một phần của thỏa thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tháng 10 vừa qua, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, dự án đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu ngay khi dự án được cấp phép.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Jim Risch cho rằng, Nga đã chấm dứt việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine.
“Chừng nào chính quyền tiếp tục phớt lờ ý muốn của Quốc hội, chúng tôi sẽ thúc đẩy đạo luật để bảo vệ các đồng minh và lợi ích của chúng tôi ở châu Âu, trong khi chống lại các dự án gây ảnh hưởng xấu của Điện Kremlin”, ông Jim Risch cho biết.
Thượng nghị sĩ Rob Portman của bang Ohio – người ủng hộ việc sửa đổi NDAA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án, cho đây là cách thức giúp châu Âu đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài Ukraine, Ba Lan – một quốc gia thành viên khác của EU cũng cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc sẽ gây bất lợi cho an ninh năng lượng của châu Âu. Trái lại, Đức khẳng định việc cấp phép cho dự án sẽ không đe dọa đến nguồn cung cấp năng lượng cho khu vực./.