Trong một tuyên bố đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Catalonia là một phần thống nhất của Tây Ban Nha. Mỹ ủng hộ các biện pháp Hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm đảm bảo sự vững mạnh và đoàn kết của quốc gia này.

Một quan chức NATO cho biết Tây Ban Nha vẫn là một đồng minh quan trọng của Tổ chức, đóng góp quan trọng đối với an ninh chung. Cuộc khủng hoảng Catalonia là một vấn đề nội bộ và nên được giải quyết theo khung hiến pháp Tây Ban Nha. Trước đó, các nước trong Liên minh châu Âu cũng ủng hộ nỗ lực của chính phủ Tây Ban Nha.

tbn1_aptm.jpg
Hàng chục nghìn người dân và nhà hoạt động đã tập trung từ sớm phía ngoài nghị viện để thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Catalonia. Ảnh: AFP/Getty.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, việc nghị viện vùng này tuyên bố độc lập không có gì thay đổi và Liên minh châu Âu sẽ chỉ đối thoại và hợp tác với chính phủ trung ương Mandrit. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hoàn toàn ủng hộ giải pháp của chính phủ Tây Ban Nha giải quyết khủng hoảng.

Tổng thống Colombia Manuel Santos kêu gọi người dân Tây Ban Nha kiềm chế, trong khi Ngoại trưởng Mexico khẳng định: “Mexico sẽ không công nhận quyết định đơn phương độc lập của Catalonia. Chúng tôi hi vọng cuộc xung đột này sẽ được giải quyết thông qua sức mạnh của lý lẽ chứ không phải thông qua sức mạnh của vũ lực”.

Sau khi vùng Catalonia tuyên bố độc lập, Thượng viện Tây Ban Nha đã cho phép chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tạm thời cai quản trực tiếp vùng. Ông Rajoy tuyên bố đã giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới trong một nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong 40 năm qua./.