Khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha tiếp tục lâm vào bế tắc, mà theo giới quan sát việc chính quyền trung ương có các biện pháp mạnh trong khuôn khổ lập pháp là khó tránh khỏi.

puigedemont_ap_uzei.jpg
Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont. (Ảnh: AP)

Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont ngày 26/10 nói rằng ông không nhận được sự đảm bảo đầy đủ từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha để tiến hành một cuộc bầu cử, vốn sẽ tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay.

Mối quan hệ giữa chính quyền Tây Ban Nha và lãnh đạo vùng tự trị Catalonia đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Thủ hiến Puigdemont từ chối xuất hiện trước Thượng viện tại thủ đô Madrid để giải trình về vấn đề độc lập.

Trước đó, Thượng viện Tây Ban Nha thông báo trao cơ hội cho ông Puigdemont được tranh luận về việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp nước này nhằm đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalonia và cách chức Thủ hiến...

Theo kế hoạch, Thượng viện Tây Ban Nha hôm nay (27/10) sẽ xem xét “bật đèn xanh” cho chính phủ trung ương nắm quyền kiểm soát trực tiếp với Catalonia. Vì thế, ông Puigdemont nói “Không” với cơ hội này đồng nghĩa với việc thách thức chính quyền Madrid tước quyền tự trị của khu vực này.

Thay vì có mặt tại Thượng viện Tây Ban Nha ở Madrid, ngày 26/10, Thủ hiến Puigdemont cùng các nhà lập pháp Catalonia nhóm họp về vấn đề tự trị và nguy cơ đối mặt với Điều 155 của Hiến pháp.

Theo giới phân tích, động thái hiện nay của các nhà lãnh đạo Catalonia đang cho thấy quyết tâm theo đuổi độc lập, vốn sẽ đẩy chính phủ trung ương và khu vực này vào thế đối đầu trực tiếp.

Nhiều ý kiến ủng hộ Catalonia ly khai đã thúc giục Thủ hiến Puigdemont đơn phương tuyên bố độc lập.

Đến nay, ông Puigdemont vẫn khẳng định mong muốn ly khai theo như quyết định mà người dân Catalonia đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, bất chấp chính quyền trung ương ngăn chặn và tuyên bố đây là cuộc trưng cầu bất hợp pháp. Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala khẳng định tuyên bố độc lập của chính quyền Catalonia “sẽ không có giá trị pháp lý”, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu “xét về mặt hình sự”.

Trên thực tế, tranh luận về vấn đề độc lập cũng đang nổ ra giữa các nhà lập pháp và giới chính trị tại Catalonia. Nhiều nhà lãnh đạo tại Catalonia đang cân nhắc tới những được mất của việc ly khai, đặc biệt là khi Điều 155 của Hiến pháp được áp đặt.

“Tôi phải nói rằng việc chính phủ trung ương không áp đặt Điều 155 của Hiến pháp sẽ là tốt nhất”, ông Miquel Iceta, lãnh đạo đảng Xã hội Catalonia nói. “Vì vậy, tôi muốn thừa nhận sự dũng cảm của Thủ hiến khi phải lựa chọn giữa việc hài lòng những người ủng hộ và bảo vệ lợi ích của tất cả mọi người. Tôi hiểu được tất cả những áp lực mà Thủ hiến đang đối mặt”.

Nhà lãnh đạo đảng Nhân dân Catalonia Garcia Albiol cũng nhấn mạnh ,Thủ hiến Puigdemont đang đối mặt với tình hình khó khăn không chỉ ở hiện tại mà còn là tương lai trước mắt của cả một thế hệ người dân Catalonia. “Tương lai của Catalonia đang đặt trên vai Thủ hiến và ông Puigdemont sẽ phải có trách nhiệm với những gì sẽ diễn ra” – ông Albiol nêu rõ.

Giữa tâm bão khủng hoảng chính trị hiện nay, Catalonia đang chứng kiến làn sóng các công ty rời bỏ vùng lãnh thổ này do lo ngại tình hình bất ổn. Truyền thông địa phương cho biết từ đầu tháng tới nay đã có hơn 1.500 công ty di dời trụ sở chính khỏi Catalonia, riêng trong ngày 24/10 ghi nhận 107 công ty chuyển đi.

Hệ lụy rõ ràng nhất từ việc Catalonia tuyên bố độc lập chính là một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Không chỉ nền kinh tế Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng, mà các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phải tính đến vấn đề này.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos tuyên bố Catalonia độc lập sẽ bị buộc phải rời khỏi EU và Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), viễn cảnh sẽ gây tổn hại trực tiếp tới nền kinh tế của khu vực này. Theo ông Guindos, kịch bản này sẽ khiến tăng trưởng của Catalonia giảm 25 - 30%, lạm phát tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi so với hiện tại./.