Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tối 21/10 đã có phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ sau quyết định của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khởi động điều 155 của Hiến pháp - điều khoản đặc biệt này cho phép chính quyền trung ương tước quy chế tự trị của Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

catalonia_ahxg.jpg
Ông Puigdemont. Ảnh: Okdiaro.

Được xem như câu trả lời gửi tới người đứng đầu chính phủ trung ương, song phát biểu ông Carles Puigdemont lại tránh đề cập tới tuyên bố độc lập của khu vực tự trị này.

Hoàn toàn không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về nền độc lập, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont hôm qua đã cho thấy sự thận trọng như những gì đã thể hiện trong suốt những tuần qua.

Mở đầu bài phát biểu, người đứng đầu Khu vực tự trị Catalonia đã sử dụng ngôn ngữ của người xứ Catalonia để phản đối lựa chọn của Thủ tướng Mariano Rajoy kích hoạt điều 155 của Hiến pháp. Theo ông, người dân vùng lãnh thổ này không chấp nhận những biện pháp mà Chính phủ Tây Ban Nha vừa đưa ra nhằm nắm quyền quản lý trực tiếp vùng Catalonia.

Ông Puigdemont yêu cầu cơ quan lập pháp Catalonia triệu tập phiên họp toàn thể để thảo luận cách thức chống lại các biện pháp mà chính quyền trung ương Tây Ban Nha vừa đưa ra: “Các thể chế và nhân dân Catalonia không thể chấp nhận một cuộc tấn công như thế. Chúng tôi không thể chấp nhận việc chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát mọi mặt đời sống Catalonia, từ chính quyền tới truyền thông. Điều này là không phù hợp.”

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu vùng Catalonia đã sử dụng cả ngôn ngữ bản địa của người Catalonia, lẫn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

Trước đó, sau cuộc họp nội các khẩn cấp cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Ma-ri-a-nô Rajoy cho biết chính phủ của ông muốn loại bỏ các nhà lãnh đạo của chính quyền khu vực Catalonia và tổ chức bầu cử mới tại đây càng sớm càng tốt: “Nếu Thượng viện thông qua việc giải tán chính quyền Catalonia, quyền hạn của cơ quan lập pháp Catalonia sẽ được chuyển sang cho chính quyền trung ương. Các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, tôi muốn điều này diễn ra càng sớm càng tốt để có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động của các thể chế. Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu của chúng ta và để làm được điều quan trọng là trật tự hiến pháp phải được khôi phục.”

Những biện pháp chưa từng có nhằm chấm dứt nỗ lực giành độc lập của các nhà lãnh đạo Catalonia dự kiến sẽ được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha và sẽ được trình lên Thượng viện Tây Ban Nha để phê duyệt. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, chính quyền Tây Ban Nha sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Theo Thủ tướng Rajoy, Tây Ban Nha không có sự lựa chọn nào khác bởi chính quyền khu vực tự trị Catalonia đã hành động một cách "đơn phương, đi ngược lại luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu" khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho khu vực tự trị này.

Điều đáng chú ý là trong bài phát biểu ngày hôm qua, Thủ hiến Catalonia đã không đưa ra một câu trả lời rõ ràng mà chỉ khẳng định sẽ không lùi bước trước chính quyền trung ương, đang tìm cách phế truất ông, cùng toàn bộ chính quyền và giành quyền kiểm soát khu vực. Theo ông Puigdemont, một phản ứng khẩn cấp có thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp cơ quan lập pháp Catalonia. Các nhà phân tích cho rằng, với những tuyên bố này, ông Puigdemont dường như vẫn đang để dành cho mình 1 đường lui. Bởi ông vẫn còn thời hạn từ nay đến ngày 27/10 tới để đưa ra quyết định có kêu gọi bầu cử sớm hay không trước khi Thượng viện Tây Ban Nha nhóm họp để ra tuyên bố chính thức đối với Catalonia. Trong kịch bản xấu nhất, nhà lãnh đạo Catalonia vẫn quyết định tuyên bố độc lập cho khu vực tự trị này và nguy cơ một cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa Catalonia và chính quyền trung ương là điều không thể tránh khỏi. Song đây lại là kịch bản mà tất cả các bên đều không mong muốn./.