Sau rất nhiều chờ đợi, tuyên bố trong ngày 26/10 của người đứng đầu vùng Catalonia, ông Carles Puigdemont, rốt cuộc vẫn không đem lại bất cứ đột phá nào. Trước những nghị sĩ vùng Catalonia, ông Puigdemont tiếp tục thực thi chiến lược trước đây: không tuyên bố độc lập, cũng không tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn tại vùng Catalonia.

puigedemont_rmbu.jpg
Ông Puigdemont phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/10. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, khác với những lần trước, sự mập mờ lần nào trong tuyên bố của ông Puigdemont không xuất phát từ một toan tính chiến thuật cụ thể mà chủ yếu đến từ sự ép buộc của tình thế.

Cụ thể, trong ngày 26/10, ông Puigdemont đứng trước 2 lựa chọn: một, là tuyên bố vùng Catalonia độc lập trước khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha đặt vùng này dưới sự kiểm soát trực tiếp. Hai, là tuyên bố sẽ bầu cử vùng trước thời hạn, để đưa mọi việc trở lại khuôn khổ pháp lý và để có thể đối thoại với Madrid.

Nhưng, ông Puigdemont đã không chọn bất cứ phương án nào. Bởi bất cứ phương án nào cũng đem lại rủi ro rất cao. Chọn bầu cử bầu sớm đồng nghĩa với việc đầu hành trước sức ép từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha, nhưng chọn tuyên bố độc lập đơn phương thì chắc chắn sẽ kích động Thượng viện Tây Ban Nha đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.

Bằng việc không tuyên bố từ bỏ yêu sách độc lập, nhưng cũng không tuyên bố tổ chức bầu cử sớm, ông Carles Puigdemont đang tìm cách đá quả bóng trách nhiệm sang phía người khác. Trách nhiệm đưa ra các phản ứng với chính quyền trung ương Tây Ban Nha, giờ đây bị chuyển sang cho các nghị sĩ vùng Catalonia, kể cả trước và sau khi Thượng viện Tây Ban Nha đưa ra phán quyết về viêc áp dụng điều 155 Hiến pháp.

Tuy nhiên, việc này cũng gần như đồng nghĩa với việc phe ly khai ở Catalonia giờ đây gần như đã cạn kiệt giải pháp. Trong bài phát biểu trước Nghị viện Catalonia, ông Puigdemont đã thú nhận là mình đã cố gắng tìm mọi cách để có một kênh đối thoại với chính phủ Tây Ban Nha nhưng tất cả đều thất bại. Gánh nặng giờ đây được chuyển sang phía Nghị viện Catalonia, nơi các nghị sĩ của vùng này sẽ phải nhóm họp trong cả ngày 27/10, cùng thời điểm với cuộc họp của Thượng viện Tây Ban Nha, để đưa ra các cách thức phản ứng.

Các kịch bản khả thi nhất giờ đây vẫn đang tập trung quanh khả năng Thượng viện Tây Ban Nha sẽ bật đèn xanh cho Thủ tướng Mariano Rajoy phế truất toàn bộ ban lãnh đạo của vùng Catalonia, trong đó có cả ông Carles Puigdemont, để trực tiếp nắm quyền lãnh đạo.

Với phe ly khai ở Catalonia, đây sẽ là kịch bản ít được chờ đợi nhất và các nguồn tin báo chí Tây Ban Nha cho hay, nhiều thành viên trong nội bộ đảng của ông Carles Puigdemont bắt đầu rời bỏ hàng ngũ và âm thầm đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban  Nha nhằm tìm cơ hội chấm dứt khủng hoảng./.