Cả thế giới bàng hoàng sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp, làm 128 người thiệt mạng và 250 người khác bị thương. Trước lo ngại nguy cơ khủng bố, thêm nhiều nước xem xét nâng mức báo động an ninh.

cameron_chong_khung_bo_mhoq.jpg
Thủ tướng Anh Cameron thể hiện quyết tâm sát cánh với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Telegraph.

Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay (14/11) triệu tập cuộc họp của Ủy ban phản ứng khẩn cấp để thảo luận về các vụ tấn công tại Paris. Ông Cameron cam kết sẽ hỗ trợ Pháp nhiều nhất có thể vào thời điểm này.

Mức cảnh báo đe dọa của chủ nghĩa khủng bố tại Anh đang ở mức “nghiêm trọng” – mức cao thứ 2 trong danh mục cảnh báo cho thấy các vụ tấn công có khả năng xảy ra cao. Cảnh sát Anh được tăng cường để đảm bảo an ninh trên khắp cả nước. Lực lượng an ninh cũng sẽ được bổ sung tại nhà hát nổi tiếng West End ở London và khu vực có nhiều nhà hàng.

Lãnh đạo Công Đảng của Anh Jeremy Corbyn) cho biết: “Tôi chắc chắn rằng an ninh sẽ được tăng cường tại thủ đô London. Rõ ràng chúng tôi phải chuẩn bị để mọi người có tâm lí đề phòng. Tôi hi vọng rằng những thảm kịch như vậy sẽ không xảy ra tại London hay bất cứ thành phố nào khác ở nước Anh cũng như trên thế giới”.

Tây Ban Nha cũng đang xem xét nâng mức báo động khủng bố sau các vụ tấn công tại Paris. Mức báo động khủng bố ở Tây Ban Nha hiện ở mức 4/5 mức cảnh báo của nước này. Với mức báo động này, cảnh sát sẽ được bố trí tại những khu vực quan trọng như sân bay, ga tàu … trong khi các cơ quan liên quan cũng được đặt ở mức báo động cao nhất để ngăn ngừa các vụ tấn công xảy ra.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz sẽ có cuộc gặp với các chuyên gia để đưa ra quyết định liệu có nâng mức cảnh báo hay không. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng cho biết sẽ sớm có cuộc gặp với Hội đồng An ninh Quốc gia để phân tích các vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka đề nghị Bộ trưởng Nội vụ nước này và cơ quan tình báo đánh giá nhanh tình hình, bao gồm những tác động an ninh có thể đối với Cộng hòa Séc và Liên minh châu Âu sau vụ tấn công khủng bố tại  Pháp. 

Ông Sobotka cũng cho biết, lực lượng an ninh Séc đang đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước. Hoạt động bảo vệ các sân bay và Đại sứ quán nước ngoài cũng được tăng cường.

Chính phủ Na Uy, Slovakia, Lithuania, Phần Lan… cũng công bố một loạt các biện pháp tăng cường an ninh.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo(IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. IS cũng cảnh báo, các nước khác có thể là mục tiêu tấn công tiếp theo.

Tuy nhiên, những cảnh báo này của IS dường như càng củng cố quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong bức điện gửi Tổng thống Pháp, ông Putin nêu rõ, thảm họa với nước Pháp là bằng chứng về tính chất dã man của chủ nghĩa khủng bố đang thách thức toàn thể nền văn minh nhân loại. Tổng thống Nga khẳng định, nước Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Pháp trong việc điều tra các vụ tấn công ngày 13/11.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố, Đức sẽ tích cực tham gia cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố với Pháp để bảo vệ các giá trị châu Âu.

Bà Merkel nói: “Vụ tấn công này không chỉ nhằm vào nước Pháp. Nó nhằm vào tất cả chúng ta và ảnh hướng đến chúng ta. Do đó, thế giới cần phải cùng nhau đưa ra một câu trả lời. Trước tiên câu trả lời đó là vấn đề an ninh. Về vấn đề này chính phủ Đức đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Pháp để đưa ra bất cứ sự hỗ trợ nào có thể. Chúng tôi cũng sẽ làm mọi việc có thể để trợ giúp săn lùng những kẻ chủ mưu và thủ phạm gây ra vụ tấn công”.

Phối hợp nỗ lực toàn cầu trong chống khủng bố cũng là lời kêu gọi của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Ông Abadi nhấn mạnh, các vụ tấn công tại Paris cho thấy cuộc chiến chống khủng bố cần một nỗ lực quốc tế để có thể tiêu diệt được thứ chủ nghĩa nguy hiểm và tàn ác này tại tất cả các nước./.