Ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong ba ngày. Chuyến thăm hiếm hoi đánh dấu sự ấm lên trong mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới trong bối cảnh năm nay đánh dấu tròn 40 năm hai nước ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị.

xi_jinping_donald_trump_shinzo_abe_war_fears_825787_thfh.jpg
Nhật-Trung tìm kiếm quan hệ liên minh mạnh hơn trong kỷ nguyên Trump. Ảnh: Getty

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc lần này đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Bởi đây được xem như “cơ hội vàng” để cài đặt lại các mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh vốn từng có thời điểm “chạm đáy”, đặc biệt sau sự kiện Nhật Bản "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư năm 2012.

“Chúng tôi hy vọng vào thời điểm quan trọng này, cả hai bên sẽ tạm gác lại quá khứ, thiết lập một hướng đi mới cho tương lai; định hướng lại rằng chúng ta là đối tác chứ không phải đối thủ; đồng thời khẳng định lại sự đồng thuận mà hai bên đang hướng tới, xem đây như những cơ hội, chứ không phải thách thức để chúng ta có thể cải thiện và phát triển các mối quan hệ song phương, đồng thời tăng cường hợp tác cùng có lợi trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi sẽ tích cực làm việc với phía Nhật Bản để đảm bảo chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Trung Quốc gặt hái nhiều thành công”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh.

Chuyến công du Trung Quốc của nhà lãnh đạo Nhật Bản lần này được xem là kết quả của nhiều cuộc đối thoại nhằm hàn gắn quan hệ song phương. Điều này cũng ngầm cho thấy hai bên có vẻ như đang tạm gác lại những vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông để tìm kiếm mối quan hệ kinh tế mới trước những tác động từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc cũng đang muốn nhân cơ hội lần này để tăng cường quan hệ với Nhật Bản nhằm thúc đẩy các hướng phát triển kinh tế khác để hạn chế ảnh hưởng của các đòn trừng phạt thuế quan từ Mỹ.

Trong khi, Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã xem nhau là “thù hơn bạn”, giới quan sát cho rằng, hai bên có vẻ như đang hướng tới xây dựng một liên minh mạnh hơn trong “kỷ nguyên Trump”.

Ông Scott Seaman chuyên gia của Tập đoàn Eurasia đưa ra nhận định, động lực chính của sự thay đổi này là nhu cầu cả về phía Nhật Bản và Trung Quốc về việc điều chỉnh trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.  Tuy vậy, cũng không ít nhà phân tích lại đồng tình với quan điểm, Nhật Bản sẽ chỉ hợp tác với Trung Quốc ở mức độ vừa phải khi chính sách kinh tế - chính trị - quân sự của Bắc Kinh vẫn là một mối lo ngại lớn.

Ông Shin Kawashima, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo nhấn mạnh: “Nhật Bản phải cực kỳ thận trọng với quan điểm của Mỹ khi đối phó với Trung Quốc, lưu ý rằng mục tiêu của ông Shinzo Abe là tiếp tục bình thường hóa quan hệ nhưng không quá đặt nhiều trọng tâm”.

Cũng theo ông Kawashima, dù hy vọng tình hình liên quan tới vấn đề biển Hoa Đông thay đổi, song Nhật Bản vẫn cần nhìn vào cách hành xử của giới chức Trung Quốc.

Rõ ràng dù quan hệ hai bên đang thay đổi theo chiều hướng tích cực sau nhiều năm sóng gió, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đứng trước nhiều thách thức. Để biến “thù thành bạn”, quay trở lại thời kỳ nồng ấm chắc chắn không phải là điều dễ dàng để thực hiện trong một sớm một chiều, khi mà hai bên vẫn còn những cách biệt quá lớn trong chính sách, tầm nhìn chiến lược.

Đó còn chưa kể, hai cường quốc châu Á này đang là đối thủ trực tiếp của nhau trên nhiều phương diện, ở thế cạnh tranh quyết liệt về tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới./.