Ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày (từ 25-27/10). Như vậy, 7 năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Yoshihiko Noda mới lại có một Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Trung Quốc.
Quan hệ Trung - Nhật: Đông tàn liệu có đến Xuân?. Ảnh: The Japan Time |
Trong 7 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc trở nên căng thẳng tột độ, tưởng chừng khó có thể hàn gắn. Tuy nhiên, sau tất cả, hai nước lại có những điều chỉnh về mặt chính sách nhằm làm nồng ấm lại quan hệ với người láng giềng của mình.
Bối cảnh chuyến thăm
Khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thăm Trung Quốc năm 2011, Trung Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Nhật (sau Mỹ) với 345 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều, chiếm 9% thương mại Trung Quốc. Con số này lớn hơn giao thương của Trung Quốc với Anh và 4 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Tuy nhiên, sự kiện Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư năm 2012, đã khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, thương mại song phương của hai nước cũng bị ảnh hưởng.
Năm 2012, thương mại hai chiều Trung Quốc - Nhật Bản giảm 3,9%, còn 329,45 tỷ USD. Nhật Bản từ vị trí đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc đã lùi xuống vị trí thứ năm. Tiếp đó, từ năm 2012 đến nay, kim ngạch thương mại hai bên liên tục sụt giảm, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Trung Quốc có thời điểm chỉ còn một nửa so với mốc năm 2012, xu thế thoái vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc cũng tăng mạnh. Theo thống kê của Tổng cục hải quan Trung Quốc, mặc dù tổng kim ngạch thương mại Trung - Nhật năm 2017 đã tăng trưởng trở lại, đạt mốc 303 tỷ USD, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với mốc năm 2011.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, gây tổn hại đến ngành công nghiệp của cả hai nước Trung - Nhật. Nhật Bản là nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, khi có hơn 30.000 doanh nghiệp nước này đang làm ăn tại Trung Quốc, ngoài ra việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “đe” áp thuế 25% lên ô tô và phụ tùng Nhật Bản (chiếm 3/4 thặng dư thương mại Nhật - Mỹ) xuất khẩu sang Mỹ cũng khiến Nhật Bản và Trung Quốc tìm thấy điểm tương đồng.
Trung Quốc-Nhật Bản: Cải thiện quan hệ và những toan tính chiến lược
Chủ động chìa tay của cả hai phía
Từ nửa cuối năm 2017 và đặc biệt là trong năm 2018, có thể thấy sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ hai nước. Điều này được cụ thể hóa bằng hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên, cũng như các động thái mong muốn cải thiện quan hệ của nguyên thủ hai nước. Mật độ và tần suất các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo hai nước Trung - Nhật nhiều như trong thời gian qua là điều hiếm thấy trong quan hệ quốc tế đương đại, nhất là đối với quan hệ Trung - Nhật.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono thăm Trung Quốc (1/2018), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Nhật Bản (4/2018), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản (5/2018) và bây giờ là chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ngoài ra, còn có cuộc gặp bên lề các diễn đàn quốc tế giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017 và Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok, Nga tháng 9/2018).
Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc là điều đáng hoan nghênh, đây không chỉ là cơ hội lớn đối với Nhật Bản mà còn là cơ hội cho cả thế giới. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho rằng, là hai nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản cần gánh vác trách nhiệm chung là đóng một vai trò mang tính xây dựng nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định cũng như thúc đẩy phát triển, thịnh vượng khu vực và toàn cầu.
Trung-Nhật khôi phục đàm phán về cùng khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông
Mục đích chuyến thăm
Theo thông cáo báo chí trước chuyến thăm, trong thời gian thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản sẽ hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, cùng trao đổi về việc cải thiện quan hệ hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cũng sẽ tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm Trung Quốc - Nhật Bản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hòa bình, tham dự Hội nghị lần thứ nhất cơ chế hợp tác Trung - Nhật ở thị trường nước thứ ba và tham gia Diễn đàn thảo luận sau đó.
Có thể thấy, mục đích chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe là rất rõ ràng, cải thiện quan hệ hai nước về chính trị và tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp tác về kinh tế. Trong bối cảnh, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chống toàn cầu hóa đang trỗi dậy, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang căng thẳng, thì việc Nhật Bản và Trung Quốc tạm gác các vấn đề như cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực, vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ... để tăng cường hợp tác được đánh giá là xu thế phù hợp với lợi ích của cả hai nước.
Hiện tại là thời điểm chín muồi nhất để Trung Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ song phương, hay nói cách khác đây là thời cơ để hai bên định hình một quan hệ kiểu mới trong giai đoạn mới, bây giờ hoặc không bao giờ để hai bên có thể kết thúc “vòng tuần hoàn ác tính” trong quan hệ hai nước nhiều năm qua./.
Thượng đỉnh Nhật-Trung bên lề Diễn đàn kinh tế Phương Đông tại Nga
Thủ tướng Abe: Quan hệ Nhật-Trung đã trở lại quỹ đạo bình thường