Trong cuộc hội đàm giữa Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Funakoshi Takehiro, hai bên đã thảo luận về vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới của Triều Tiên, đồng thời khẳng định các bên vẫn có lập trường tương tự như người phát ngôn của chính phủ đưa ra trước đó.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho rằng, vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa 1.500 km đã đe dọa đến hòa bình và an toàn khu vực, trong đó có Nhật Bản. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp trong ngày hôm qua (14/9) tại Tokyo. Ba bên đã trao đổi ý kiến về việc Triều Tiên có dấu hiệu tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyun và phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới vào cuối tuần trước. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này vẫn mong muốn phát triển hạt nhân ở mức cao hơn. Do đó, sự phối hợp ba bên rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

Quan điểm của Mỹ là đòi hỏi cách tiếp cận thực tế, được điều chỉnh hợp lý trong vấn đề Triều Tiên. Washington không hề có ý định thù địch với Triều Tiên và hy vọng Bình Nhưỡng phản hồi tích cực về đề xuất đối thoại. Mỹ sẽ tuân thủ tuyệt đối nghị quyết cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên cho tới khi nào nước này có phản hồi tích cực.

Nhật Bản khẳng định hợp tác ba bên Hàn - Mỹ - Nhật là hết sức quan trọng, không chỉ trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên mà còn cả sự ổn định khu vực.

Một động thái khác là tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Hàn Quốc - Australia, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đang hợp tác để phân tích kỹ lưỡng về ý đồ và thông số kỹ thuật liên quan đến vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa tiến hành cuối tuần trước của Triều Tiên.

Về vấn đề này, Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ ủng hộ việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và hợp tác liên Triều thông qua đối thoại. Tuy nhiên, Australia đã và sẽ tiếp tục thi hành lệnh trừng phạt riêng đối với Triều Tiên bên cạnh lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được thực hiện một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược./.