Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra báo cáo đánh giá tác động đến môi trường của kế hoạch di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở Okinawa trong năm nay. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch di dời này tiếp tục là bài toán hóc búa với Chính phủ Nhật Bản do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền và người dân địa phương.

Ngày 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa đã đến tỉnh Okinawa và làm việc với chính quyền địa phương về kế hoạch di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở tỉnh này.

Ông Ichikawa cho biết, sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được đưa ra, Chính phủ Nhật Bản trong năm tới sẽ chính thức đề xuất với chính quyền tỉnh tỉnh Okinawa về việc thực hiện kế hoạch di dời căn cứ Futenma theo đúng thỏa thuận với phía Mỹ. Theo đó, căn cứ quân sự này sẽ được di dời từ thành phố Ginowan đông dân cư đến thành phố Nago ít dân cư hơn cũng thuộc tỉnh Okinawa.

Đây được coi là bước đi đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản sau khi Tổng thống Mỹ Barak Obama lên tiếng thúc giục Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại cuộc hội đàm cấp cao tháng trước về việc cần có những tiến triển cụ thể trong việc triển khai kế hoạch di dời này. Giới quan sát đánh giá, trước sức ép từ phía Mỹ, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh quá trình thực hiện kế hoạch di dời căn cứ Futenma. Tuy nhiên, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.

Ông Inamine, Thị trưởng thành phố Nago, nơi Chính phủ Nhật Bản chọn là địa chỉ mới cho căn cứ Futenma cho biết: “Chính phủ không quan tâm đến dư luận và sự biến động của môi trường chính trị tại tỉnh tỉnh Okinawa mà chỉ theo đuôi Mỹ mà thôi. Chính chính phủ đã khiến người dân tỉnh Okinawa phải nói như vậy”.

Tỉnh tưởng tỉnh Okinawa, ông Nakaima cũng tiếp tục khẳng định Chính phủ Nhật Bản cần đưa căn cứ Futenma ra ngoài Okinawa. Theo dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 18/10 đến tỉnh Okinawa nhằm thuyết phục chính quyền và người dân địa phương đồng ý với kế hoạch di dời căn cứ Futenma. Tuy nhiên, dường như Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là sức ép của Mỹ và một bên là sự phản đối của người dân địa phương./.