Nhằm đáp trả việc Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy, Hàn Quốc từ nhiều ngày qua đã quyết định tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Đáp trả, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm qua (4/8) cũng đã khuyến cáo các công dân nước này cần thận trọng khi đi du lịch Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm qua (4/8) đã khuyến cáo công dân khi đi du lịch Hàn Quốc cần cảnh giác trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại quốc gia láng giềng này.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang ngày càng lan rộng. Tại nhiều siêu thị ở thủ đô Seoul, các áp phích kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản treo ở khắp mọi nơi. Các hàng hóa có nhãn mác Nhật Bản đều bị rút khỏi các kệ siêu thị và thay thế bằng các tấm biển mang dòng chữ “tẩy chay hàng hóa Nhật Bản”. Theo người đứng đầu hiệp hội siêu thị Hàn Quốc Hong Chun-ho, giờ đang là thời điểm nhiều mặt hàng của Nhật Bản đang được giảm giá song từ mấy ngày qua, những hàng hóa này đã không còn được bầy bán.
Ông Hong Chun-ho nói:“Theo các số liệu thống kê hiện nay, có hơn 150 nghìn siêu thị tại Hàn Quốc đã loại hàng hóa của Nhật Bản ra khỏi các kệ hàng. Người dân đang giận dữ về các quyết định mới đây của Nhật Bản và họ hy vọng Chính phủ có thể triển khai nhiều biện pháp cứng rắn. Hàn Quốc nên thay đổi mô thức sản xuất linh kiện và phụ thuộc vào các nguyên liệu của Nhật Bản bằng cách xem căng thẳng thương mại hiện nay như cơ hội để thay đổi”.
Nhiều người dân Hàn Quốc khi được hỏi cũng đều bày tỏ thái độ không mua hàng hóa của Nhật Bản. Theo điều tra dư luận của hãng thăm dò dư luận Gallup, Hàn Quốc, có đến 80% người dân Hàn Quốc đã không còn muốn sử dụng hàng hóa Nhật Bản.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay (5/8) cho biết, để đối phó với biện pháp trả đũa thương mại của Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Hàn Quốc nói:“Đây không chỉ là vấn đề đối phó với biện pháp trả đũa thương mại của Nhật Bản mà chúng ta nên có tầm nhìn rộng hơn và một quyết tâm lớn để đối phó với nền kinh tế của Nhật Bản. Chúng ta có thể bắt kịp với sự thống lĩnh kinh tế của Nhật Bản nếu tăng cường hợp tác kinh tế liên Triều”.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngày 2/8 vừa qua, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn các kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi thương mại, theo đó hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng. Trước đó, ngày 4/7, Nhật Bản cũng đã áp dụng hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc.
Các động thái của Nhật Bản được xem là nhằm đáp trả các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến. Nhật Bản bác bỏ các phán quyết trên, cho rằng tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo thỏa thuận giữa hai chính phủ năm 1965 khi hai nước bình thường hóa quan hệ./.
Mỹ loay hoay tháo gỡ căng thẳng giữa 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc