Đây được coi là biện pháp tăng cường trừng phạt của Nhật Bản đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này liên tiếp phóng thửtên lửa, đe dọa an ninh nội địa Nhật Bản và khu vực.

ngan_hang_dan_dong_kcqk.jpg
Một chi nhánh của ngân hàng Đan Đông. Ảnh: Sino-HK.

Theo đó, Nhật Bản đã phong tỏa tài sản của 5 tổ chức, 9 cá nhân trong đó có Ngân hàng Đan Đông và công ty vận tải biển toàn cầu Đại Liên của Trung Quốc. Ngoài ra, một số tổ chức, doanh nghiệp liên quan tới dịch vụ tài chính, xuất khẩu hàng hóa khoáng sản vào Triều Tiên cũng là đối tượng trừng phạt lần này.

Ngân hàng Đan Đông được cho là có giao dịch với các công ty trong lĩnh vực phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Riêng công ty vận tải biển Đại Liên có liên quan tới dịch vụ vận chuyển than và sắt với các công ty Triều Tiên.

Như vậy cho đến nay, đã có 63 tổ chức, 79 cá nhân bị Nhật Bản trừng phạt do có liên quan tới hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Việc 2 tổ chức của Trung Quốc là đối tượng trừng phạt lần này thể hiện lập trường Nhật-Mỹ trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng đến thời điểm này không có hy vọng nào để có một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Triều Tiên. Do vậy, việc tăng cường gây áp lực đối với nước này là cực kỳ cần thiết.

Với phương châm “đối thoại và gây áp lực”, “Hành động đối hành động”, Nhật Bản yêu cầu Triều Tiên đưa ra được những hành động cụ thể hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân./.