Từng đoàn người lặng lẽ đặt hoa, nguyện cầu tại những khu vực có người thiệt mạng.  

Đúng 14h46 chiều 11/3, tại nhiều nơi trên toàn đất nước Nhật Bản sẽ đồng thời tổ chức Lễ tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng 5 năm về trước trong thảm họa kép.

shinzo_abe_oiok.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố với báo chí một ngày trước lễ kỷ niệm 5 năm thảm họa động đất, sóng thấn. Ảnh AFP

Theo số liệu của Cơ quan tái thiết thảm họa Nhật Bản,cho đến ngày 12/2/2016, vẫn còn 174.400 người vẫn phải lánh nạn, giảm hơn so với thời điểm năm 2015 là 54.000 người. 

Số người vẫn phải ở nhà tạm tại các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima ước khoảng 59.000 người giảm 22.000 so với năm trước. Khoảng 14.000 căn hộ đã được xây mới, hoàn thành gần 50% kế hoạch. 

Theo Cục Cảnh sát Nhật Bản, tính đến ngày 7/3/2016, số người chết trong thảm họa kép là 20.100 người, mất tích 2.561 người. 

Trong buổi họp báo về tưởng niệm 5 năm sóng thần, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ ý quyết tâm tiếp tục thực hiện công việc tái thiết khu vực chịu thiệt hại, cam kết rằng “đến năm 2019 cơ bản sẽ hoàn thành và khai thông toàn tuyến đường sắt đã bị phá hỏng”. Đồng thời, sẽ tích cực xây dựng các tuyến đường bộ, xử lý ô nhiễm do sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 gây ra. 

Trước đó, ngày 10/3 Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế rút ra bài học về các thảm họa sóng thần trong quá khứ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc ngằn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

Thông điệp của Tổng Thư ký do người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric công bố tại cuộc họp báo cùng ngày cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ chia buồn với người dân Nhật Bản. 

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima, điều quan trọng mọi người cần nhớ, thảm họa thiên tai gây ra hậu quả khôn lường. 

Trong ngày 11/3, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Nhật Bản đã phải chịu thiệt hại nặng nề sau thảm hỏa thiên tai và hạt nhân với ước tính có hơn 15.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người lâm vào cảnh mất nhà. 

Ngoài thảm họa hạt nhân Nhật Bản, ông Ban Ki-moon cũng đề cập đến thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương xảy ra vào ngày 26/12/2004 cũng đã cướp đi mạng sống của 230.000 người.

Trước đó, vào tháng 12/2015, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đã phê chuẩn một nghị quyết lấy ngày 5/11 hàng năm là ngày “Nhận thức về Sóng thần Thế giới” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa sóng thần./.