Lực lượng cứu hộ bắt đầu tiếp cận được với các khu vực bị động đất và sóng thần tàn phá nặng nề dọc bờ biển các tỉnh khu vực đông bắc của Nhật Bản. Theo một nhân viên cứu hộ, hầu như không còn thứ gì nguyên vẹn ở đây.

Tại thành phố Sendai và Iwanuma thuộc tỉnh Miyagi, lực lượng cứu hộ đã phát hiện được từ 200 - 300 xác chết. Nhưng do toàn bộ khu vực bị ngập nước nên đến nay lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể vào sâu bên trong và thống kê thiệt hại. Còn tại thành phố Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate, toàn bộ đường phố bị ngập sâu trong nước cũng khiến việc tiếp cận khu vực này trở nên khó khăn.

Theo các nhân viên cứu hộ, việc thu thập thông tin thiệt hại tại các vùng ven biển, nơi bị hủy diệt hoàn toàn, rất khó khăn. Do đó, số người chết và mất tích có thể tăng lên nhiều so với hiện nay.

Trong khi đó, sự cố xảy ra tại 2 nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima có thêm diễn biến mới đáng lo ngại. Vào lúc 6 giờ sáng 13/3 (theo giờ địa phương), Công ty điện lực Tokyo, đơn vị quản lý hai nhà máy này đã ra thông báo về tình trạng khẩn cấp đối với lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Theo Công ty điện lực Tokyo, thiết bị đưa nước làm mát vào trong lò phản ứng đã ngừng hoạt động. Công ty đã cố gắng sử dụng các biện pháp khác nhưng đều thất bại.

Còn tại lò phản ứng số 1 của nhà máy này, đêm 12/3, Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản đã cho bơm nước biển vào lò do hệ thống làm mát của lò đã bị hư hỏng sau trận động đất. Đây là một biện pháp chưa từng được thực hiện từ trước đến nay. Cơ quan này cũng đánh giá mức độ nguy hiểm của vụ nổ lò phản ứng số 1 ngày 12/3 ở thang độ 4 trong số 8 thang độ theo tiêu chuẩn quốc tế. Thang độ 4 được định nghĩa là có hư hại đối với nhiên liệu và có lượng tương đối chất phóng xạ bị rò rỉ.

Truyền hình Nhật Bản đưa hình ảnh quay tại một một trường tiểu học gần khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Có gần 800 người đang trú nạn trong tình trạng không tivi, không báo chí. Hai người được phát một gói cơm nắm. Một người đàn ông ở ngôi làng cách nhà máy điện 4km bày tỏ quan ngại không biết khi nào có thể trở về nhà, cũng như ảnh hưởng to lớn đến nông nghiệp và ngư nghiệp của làng. Những người khác lo lắng cho tình trạng sức khỏe của trẻ em và phụ nữ.

Các đội cứu hộ nước ngoài cũng bắt đầu đến Nhật Bản. Sau khi hai đội cứu hộ của Hàn Quốc và Singapore đến Nhật Bản ngày 12/3. Sáng 13/3, dự kiến đội cứu hộ của Mỹ sẽ đến tỉnh Aomori ở vùng đông bắc Nhật Bản. Các đội cứu hộ sẽ bắt tay ngay vào việc tìm kiếm người bị nạn và chữa trị y tế cho người bị thương. Các đội cứu hộ của Anh, Pháp, Trung Quốc cũng đã lên đường đến Nhật Bản./.