Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, những doanh nghiệp trên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, xuất khẩu lao động, buôn bán than đá và các loại hàng hóa khác.
Như vậy tính đến nay, có tất cả 56 công ty, tổ chức và 62 cá nhân Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt của Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, 19 công ty của Triều Tiên trong danh sách bổ sung đều từng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ tháng 1/2016, trong đó có Trung tâm Máy tính Triều Tiên.
Nhật Bản cáo buộc trung tâm này có liên quan tới hoạt động xuất khẩu lao động Triều Tiên ra nước ngoài và đang hoạt động tại một loạt quốc gia như Đức, Trung Quốc, Syria, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Các lệnh trừng phạt mở rộng của nước này nhằm vào Triều Tiên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 15/12.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng các lệnh trừng phạt của Nhật Bản được đưa ra cùng thời điểm với phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Phiên họp này sẽ do Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono chủ trì tại New York trong ngày hôm nay.
Ông Suga cũng nhấn mạnh việc đóng băng tài sản của các công ty Triều Tiên là nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây: “Ngày 29/11 vừa qua, Triều Tiên một lần nữa phá hủy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế bằng cách phóng tên lửa đạn đạo đạo rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Điều này cho thấy sự cần thiết phải gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để nước này thay đổi chính sách của mình”.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Tokyo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu hiện nay là tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên chứ chưa phải đối thoại về chương trình hạt nhân của nước này.
Ngoài Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã áp lệnh trừng phạt đơn phương, song song với lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, để gia tăng áp lực, buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Tính từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 16 vụ phóng thử tên lửa, trong đó có 3 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đáng chú ý là hai vụ phóng vào ngày 29/8 và ngày 15/9, tên lửa của Triều Tiên đã bay qua vùng trời Hokaido của Nhật Bản.
Lệnh trừng phạt bổ sung của Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh, các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể ra lệnh phóng thử tên lửa tiếp theo vào ngày 17/12 tới.
Theo trung tâm nghiên cứu này, quan ngại về khả năng Triều Tiên thử tên lửa trong thời gian tới gia tăng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp các quan chức chính quyền và quân sự hàng đầu vào ngày 12/12 vừa qua.
Trước đó, hồi tháng 11, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng có “khả năng cao xảy ra các hành động khiêu khích” của Triều Tiên vào tháng 12, trong khi một chuyên gia quốc tế từ trung tâm này nhận định “một vụ thử tên lửa đạn đạo” có thể sẽ diễn ra vào ngày 17/12, ngày cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
Triều Tiên thường lấy các dịp thành lập quân đội và các ngày lễ lớn để tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cũng cho rằng, tháng 12 thường được xem là giai đoạn chứng kiến “hoạt động thử tên lửa tần suất cao” của Triều Tiên trong 5 năm trở lại đây./.
“Khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết bằng chiến tranh”