Ngày 12/3, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đang nỗ lực thu xếp một Hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Hàn Quốc và Mỹ trong ngay trong tháng 3/2014 nhằm "phá băng quan hệ với Hàn Quốc".

abe-hye1-1.jpg
Mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc "tương đối lạnh nhạt" thời gian gần đây (Ảnh: asianewsnet)

Thực tế, hiện nay, giới chức Hàn Quốc dường như vẫn còn lạnh nhạt với sáng kiến tổ chức một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Hague, Hà Lan vào ngày 24 và 25/3 tới.

Nhật Bản hy vọng, với sự có mặt của Mỹ, đồng minh của cả 2 quốc gia Đông Bắc Á này, bà Park Geun-hye sẽ sẵn sàng “mặt đối mặt” với ông Abe, điều mà giới chức Nhật Bản mong chờ từ khi Thủ tướng Abe nhậm chức 15 tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Từ khi lên nhậm chức đến nay, ông Abe đã tới thăm 10 nước Đông Nam Á và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin đến 5 lần nhưng chưa một lần hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc - 2 nước đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ và gần đây lại nổi lên những tranh cãi về lịch sử Chiến tranh thế giới thứ 2 với Nhật Bản.

Giới chức Hàn Quốc cho biết, chừng nào Nhật Bản chưa thay đổi quan điểm về một số vấn đề lịch sử thì Hàn Quốc sẽ không xem xét bất cứ Hội nghị thượng đỉnh nào vào nước láng giềng Đông Bắc Á này. Trong khi đó, Văn phòng chính phủ Mỹ chưa đưa ra bình luận về đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 3 bên này của Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đề xuất này sẽ được Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki nêu ra với Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong tại cuộc gặp giữa hai ông vào hôm nay (12/3) và ngày mai (13/3).

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xấu đi sau chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe hồi tháng 12/2013, nơi thờ các binh sỹ Nhật Bản tử trận trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó là những tranh cãi xung quanh việc phụ nữ Hàn Quốc bị ép phục vụ binh sỹ Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2 khi gần đây, Nhật Bản muốn xem xét lại lời xin lỗi chính thức năm 1993 về vấn đề này.

Ngày 11/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Chính phủ nước này chỉ xem xét lại chứ không hủy bỏ lời xin lỗi trên và muốn tiếp tục giải thích với các nước có liên quan về vấn đề này./.