Bộ trưởng Tái thiết kinh tế ông Nishimura hôm 8/7 cho biết, sau khi được thảo luận với các chuyên gia, đề xuất trên cùng với các biện pháp cụ thể sẽ được báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều nay. Sau đó, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ công bố quyết định này trước báo giới vào buổi tối. Đây sẽ là lần thứ tư một tuyên bố như vậy được ban hành ở Tokyo.
Theo đó, Tokyo sẽ chuyển từ “các biện pháp ưu tiên” ngăn chặn sự lây lan sang tình trạng khẩn cấp vào ngày 12/7. Bốn tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa và Osaka sẽ gia hạn các “biện pháp ưu tiên” cho đến ngày 22/ 8. Năm tỉnh Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka sẽ được dỡ bỏ “các biện pháp ưu tiên” vào ngày 11/7.
Chính phủ sẽ yêu cầu các nhà hàng trong khu vực tình trạng khẩn tạm ngừng cung cấp đồ uống có cồn, trong khi các nhà hàng tại khu vực áp dụng “các biện pháp ưu tiên” chỉ được cung cấp đồ uống có cồn đến 19h. Thời gian đóng cửa vẫn là 20h.
Ngoài ra, thống đốc của Tokyo và Okinawa có thể yêu cầu và ra lệnh cho các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà và rút ngắn thời gian làm việc. Mức phạt lên đến 300.000 yen (hơn 60 triệu VND) có thể được áp dụng đối với các doanh nghiệp không tuân thủ. Đồng thời tiếp tục trợ cấp “tiền hợp tác” cho các nhà hàng đã chấp nhận yêu cầu rút ngắn giờ làm việc.
Số ca nhiễm mới ở Tokyo trong ngày hôm qua 7/7 là 920 người, cao hơn 260 ca so với 1 tuần trước đó, và cao hơn 470 ca so với thời thời điểm gõ bỏ tình trạng khẩn cấp gần nhất hôm 21/6. Các chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân chính của việc tái ban bố lần này là do biến chủng Delta được cho là có khả năng lây nhiễm cao đang lan rộng.
Như vậy Thế vận hội Tokyo bắt đầu ngày 23/7 cho đến ngày 8/8 sẽ được diễn ra song song với tình trạng khẩn cấp về Covid-19 tại Tokyo. Các phương án về việc có cho phép khán giả trong nước vào sân hay không sẽ được quyết định thông qua các cuộc thảo luận 5 bên, khi chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế IOC Thomas Back sẽ đến Tokyo làm việc vào hôm nay./.