Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 15/5 tại Tokyo, Thủ tướng Abe cho rằng với cách giải thích Hiến pháp hiện nay, Nhật Bản không thể bảo vệ được công dân của mình. Thủ tướng Abe nêu ví dụ về việc tàu của hải quân Mỹ đang chở công dân Nhật Bản thoát ra khỏi vùng xung đột thì bị tấn công. Theo cách giải thích hiện nay đối với Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, lực lượng phòng vệ nước này không thể sử dụng vũ khí trừ khi bị tấn công. Do đó, Nhật Bản không thể huy động lực lượng phòng vệ để bảo vệ tàu Mỹ, cho dù chiếc tàu này đang chở công dân Nhật Bản.
Thủ tướng Abe khẳng định, chính phủ và liên minh cầm quyền sẽ tiến hành các cuộc thảo luận hướng tới việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể một cách hạn chế. Thủ tướng Abe cho biết sẽ không đưa ra thời hạn cho các cuộc thảo luận và sẽ tiếp tục các nỗ lực để có được sự ủng hộ của người dân đối với quyền phòng vệ tập thể. Tuyên bố của ông Abe đưa ra trong bối cảnh dư luận Nhật Bản vẫn đang hết sức chia rẽ xung quanh vấn đề này. Trong ngày 15/5, một cuộc biểu tình lớn thu hút khoảng 2000 người tham gia đã được tổ chức ngay trước Phủ Thủ tướng để phản đối việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Ngay Đảng Công minh trong liên minh cầm quyền cũng bày tỏ quan điểm thận trọng trước các cuộc thảo luận về chủ đề này.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 15/5, Thủ tướng Abe khẳng định: “Hiện đang có hiểu lầm rằng, Nhật Bản sẽ lại trở thành nước gây ra chiến tranh. Tuyệt đối không có chuyện đó. Chủ nghĩa hòa bình được nêu ra trong Hiến pháp Nhật Bản sẽ tiếp tục được bảo vệ. Nhờ việc hoàn thiện luật pháp để có thể ứng phó trong mọi tình huống, khả năng răn đe sẽ tăng lên, Nhật Bản có thể tránh được xung đột, đất nước chúng ta sẽ không bị cuốn vào các cuộc chiến tranh”.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước việc Nhật Bản khởi động tiến trình thảo luận về quyền phòng vệ tập thể. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản xem lại lịch sử để đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo giới phân tích, việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể là một phần trong khái niệm “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” được Thủ tướng Abe nêu ra. Khái niệm này nhằm giải thích cho việc Nhật Bản muốn nới lỏng các quy định ngặt nghèo về quân sự theo Hiến pháp hiện hành để có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh của khu vực và thế giới. Khái niệm này phản ánh sự lo ngại về an ninh của Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong khi tình hình khu vực đang có nhiều biến động phức tạp.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, nước đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Nhật Bản cũng được coi là một nhân tố thúc đẩy chính quyền của Thủ tướng Abe đẩy nhanh tiến trình thảo luận về quyền phòng vệ tập thể./.