Nhà chức trách Iraq cho biết, hàng trăm tù nhân bao gồm cả các thành viên cao cấp của tổ chức al-Qaeda đã trốn khỏi nhà tù Abu Ghraib sau khi đồng bọn của chúng thực hiện một cuộc tấn công vũ trang để thực hiện việc giải cứu. 

nha-tu-abu.jpg
Nhà tù Abu Ghraib (Ảnh: Reuters)

Cuộc tấn công bất ngờ vào nhà tù Abu Ghraib vốn được canh chừng an ninh nghiêm ngặt xảy ra khi các tay súng Hồi giáo dòng Sunni tiếp tục hoạt động chống đối chính quyền do người Shiite nắm giữ kể từ thời điểm quân đội Mỹ lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein.

Đêm 21/7, một kẻ đánh bom tự sát đã lái chiếc xe chứa đầy thuốc nổ đâm thẳng vào cổng của nhà tù Abu Ghraib trong khi các tay súng khác tấn công lính gác bằng súng cối và súng phóng lựu.

Ngoài ra, các nhóm tấn công còn chốt chặn khu vực gần đường chính dẫn tới nhà tù để ngăn lực lượng an ninh tăng cường từ Baghdad. Trong khi đó, một số chiến binh khác đã mang bom tự sát quanh người tiến thẳng vào nhà tù để giải cứu phạm nhân.

Các vụ đụng độ còn tiếp diễn cho đến sáng 22/7, chỉ đến khi máy bay trực thăng quân sự đến trợ giúp, tình hình mới được kiểm soát. Các vụ đụng độ đã làm 10 cảnh sát và 4 tay súng bị thiệt mạng.

Mặc dù tình hình sau đó đã được kiểm soát nhưng hàng trăm tù nhân đã trốn khỏi nhà tù Abu Ghraib - nơi 10 năm trước đây nơi nổi tiếng khi những bức ảnh ghi lại cảnh phạm nhân bị binh sĩ Mỹ tra tấn dã man được phơi bày trước công luận. 

Trả lời hãng thông tấn Reuters, ông Hakim al-Zamili, một thành viên cao cấp của Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc hội Iraq cho biết: “Có khoảng 500 tù nhân đã trốn trại, bao gồm cả các thành viên cao cấp của al-Qaeda đã bị kết án tử hình. Lực lượng an ninh đã bắt lại được một số phạm nhân nhưng một số đã trốn thoát”.

Một quan chức giấu tên cho biết: “Đây rõ ràng là một vụ tấn công khủng bố do al-Qaeda cầm đầu nhằm giải cứu các thành viên của tổ chức này đang bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib".

Cùng thời điểm đó, một cuộc tấn công khác nhằm vào nhà tù Taji, cách thủ đô Baghdad 20 km về phía bắc, tuy nhiên lực lượng bảo vệ nhà tù đã ngăn chặn kịp thời và không một tù nhân nào trốn trại. Tuy nhiên, 16 binh sĩ và 6 tay súng đã tử vong. 

Tình trạng bạo lực tiếp tục có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây khi các nhóm Hồi giáo dòng Kurds, Shiite và Sunni chưa tìm ra giải pháp chia sẻ quyền lực một cách hòa bình tại Iraq. 

Mới đây, tại thành phố phía bắc Mosul, cách thủ đô Baghdad 390 km, một kẻ đánh bom liều chết đã cho kích nổ chiếc xe phía sau đoàn hộ tống quân sự tại quận phía đông Kokchali, khiến ít nhất 22 binh sĩ và 3 người qua đường thiệt mạng. 

Các cuộc tấn công quân sự tại Iraq trong hơn 1 tháng nay đã làm 600 người thiệt mạng. Tuy nhiên con số trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2006-2007 khi con số người chết trong các cuộc tấn công đẫm máu hàng tháng có lúc lên đến hơn 3.000 người./.