Chuẩn bị ám sát

Chương trình "Perestroika" (Cải tổ) do nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev công bố năm 1985 đã gây ra phản ứng đa chiều trong người dân Liên Xô, không chỉ những người ủng hộ các ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, mà cả những người ủng hộ việc dân chủ hóa Liên Xô.

Người công nhân gia công kim loại Alexander Anatolyevich Shmonov có quan điểm cấp tiến về việc tái thiết Liên Xô và coi Gorbachev là người có tội trong việc đàn áp các cuộc biểu tình ở Tbilisi vào mùa xuân năm 1989 và ở Baku vào mùa đông năm 1990, kết thúc bằng cái chết của hơn 150 người. Để trả thù việc này, người công nhân Shmonov quyết định ám sát nguyên thủ quốc gia.

Có được giấy chứng nhận y tế đủ điều kiện sử dụng vũ khí và giấy phép của cảnh sát, Shmonov đã mua một khẩu súng săn nòng đôi cỡ 16mm của Đức với giá 900 rúp. Trước khi đến Moscow, Shmonov đã viết một bức tối hậu thư gửi Điện Kremlin, trong đó bày tỏ quan điểm của mình, nhưng không được hồi đáp. Shmonov quyết định bắn Gorbachev tại cuộc diễu hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, diễn ra vào ngày 7/11/1990 trên Quảng trường Đỏ tại Thủ đô Moscow.

Người công nhân đến từ Leningrad (nay là St. Perterburg) đã cưa ngắn nòng và nạp vào súng hai viên đạn. Tên khủng bố bỏ trong túi quần một tờ giấy với nội dung: "Trong trường hợp tôi chết, tôi thông báo với mọi người rằng tôi muốn giết Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev". Kẻ giết người quyết định mang khẩu súng đã cưa ngắn cùng một hệ thống dây đeo nó dưới áo khoác của mình.Từ các tờ báo, Shmonov biết được vị trí và cách thức các đoàn diễu hành được hình thành và tuần hành trên Quảng trường Đỏ; y tham gia vào một trong số đó.

Hành động đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười

Năm 1990 là một năm đặc biệt - vào tháng 3, lần đầu tiên một vị tổng thống xuất hiện tại đất nước Xô viết sau khi cuộc khủng hoảng tiếp theo diễn ra mạnh mẽ hơn những cuộc khủng hoảng trước đó và kết thúc bằng việc cải tổ chính phủ. Cuộc cải cách này, như thời gian đã cho thấy, chỉ mang tính thẩm mỹ và không thể cứu được nhà nước, nhưng vào năm 1990, không ai nói về sự sụp đổ của Liên Xô, chỉ nói về thâm hụt và nền kinh tế yếu kém. Những công dân tích cực nhất yêu cầu bầu cử trực tiếp, một hệ thống đa đảng, và thậm chí từ bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Điều tra cho thấy, trước khi thực hiện vụ ám sát, Shmonov đã định, nếu phát súng đầu tiên bắn trúng Gorbachev, phát thứ hai sẽ dành cho Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, Anatoly Lukyanov. Trong các cuộc thẩm vấn, tên khủng bố bất thành thú nhận, vào lúc 11:09 sáng ngày 7/11/1990, giấu một khẩu súng đã cưa ngắn nòng dưới áo choàng, hắn đã trà trộn vào một đoàn người diễu hành.

Ở khoảng cách 45 mét từ lễ đài Lăng (Lê Nin), nơi Gorbachev và ban lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đứng, do số lượng cảnh sát quá lớn, Shmonov trở nên bối rối và đi chậm hơn, dần dần tụt lại so với đoàn diễu hành. Người đàn ông trong chiếc áo khoác dài và đội mũ đi bộ chậm rãi đã thu hút sự chú ý của Thượng sĩ công an Melnikov. Shmonov rút khẩu súng và chĩa vào Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev, nhưng do súng không có đầu ruồi phía trước nên không thể nhanh chóng xác định mục tiêu và bắn.

Trong vài giây, Melnikov chạy đến chỗ Shmonov và nắm lấy nòng súng, hất ngược lên. Phát đầu tiên bị bắn lên trời, và phát thứ hai bay về phía Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp GUM. Vài giây sau, tên khủng bố đã bị các nhân viên Ủy ban An ninh Nhà nước trói chặt. Vào lúc 11:10, chương trình truyền hình trực tiếp buổi diễu hành bị gián đoạn bởi một buổi hòa nhạc cổ điển; sau 15 phút, chương trình diễu hành lại tiếp tục.

Tối hôm đó, trên bản tin truyền hình, phát thanh viên đọc tin với giọng khó chịu, "một cư dân của thành phố Leningrad, người đã bắn hai phát đạn vào không trung từ một khẩu súng săn được cưa nòng, đã bị bắt giữ; không có thương vong". Phản ứng của công chúng đối với vụ ám sát người đứng đầu đất nước rất mạnh nhưng việc Gorbachev là mục tiêu của vụ nổ súng không được đề cập ở bất cứ đâu.

Ngày nay, rất khó để giải thích vấn đề này, có thể các nhà chức trách im lặng vì họ hiểu rằng Mikhail Gorbachev đang dần mất đi uy tín của mình, hoặc có thể vì có nhiều người không hài lòng với chính sách của ông ta nhưng họ không muốn khuyến khích những cách giải quyết "tương tự", vì có thể có rất nhiều người muốn chấn chỉnh tình hình, và nếu họ không bỏ lỡ cơ hội…

Điều tra và phá án

Trong quá trình điều tra kéo dài 1 năm, tên khủng bố khai trong nhiều năm hắn đã dán truyền đơn với nội dung kêu gọi lật đổ chế độ Xô viết và sát hại các ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Điều tra cho thấy, ngay từ khi còn trẻ, Shmonov đã được khám bởi các bác sĩ tâm thần, và được chẩn đoán mắc chứng "loạn thần phân liệt". Shmonov đã nhận được giấy chứng nhận đủ điều kiện y tế để sử dụng vũ khí do hồ sơ y tế bị thất lạc. Để có được một khẩu súng, Shmonov tham gia vào hội săn bắn và câu cá và nhận được chứng chỉ y tế của bệnh xá tâm thần kinh.

Tòa án kết luận Shmonov bị điên và đưa anh ta đến một phòng khám đặc biệt để điều trị bắt buộc trong 4 năm. Nhưng bản thân Shmonov vẫn tiếp tục khẳng định anh ta chưa bao giờ quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bất kỳ sự lệch lạc tinh thần nào ở bản thân. Như bằng chứng về năng lực pháp lý của mình, Shmonov chứng minh việc anh ta mua súng hoàn toàn hợp pháp, có giấy phép mua vũ khí. Ngoài ra, theo Shmonov, 2 trong số 7 chuyên gia có mặt trong ủy ban công nhận anh ta hoàn toàn khỏe mạnh.

Khi Shmonov phải ngồi tù, vợ và con gái đã bỏ anh ta. Sau khi điều trị, Shmonov được công nhận là người tàn tật nhóm II và bắt đầu tham gia các hoạt động nhân quyền. Năm 1999, Shmonov ứng cử vào Duma Quốc gia, nhưng đã bị loại vì không đủ chứ ký của cử tri. Thất bại, Shmonov quyết định trở thành một nhà bảo vệ nhân quyền. Cho đến gần đây, Shmonov đã hỗ trợ tích cực cho những người mà bằng cách này hay cách khác, phải chịu đựng các hành động miệt đãi của các bác sĩ tâm thần.

Gần như ngay lập tức sau khi xuất viện, Shmonov đã nhận được công việc sửa chữa bảo trì hệ thống sưởi tại doanh nghiệp Nevo, và sau đó đứng ra mở công ty xây dựng và sửa chữa riêng của mình. Như chính Shmonov thừa nhận, anh ta kiếm được nhiều hơn nhiều so với những người dân Nga bình thường. Trong một cuộc phỏng vấn với "Người đối thoại", Shmonov nói, ngày 7/11/1990, anh ta không mưu sát Gorbachev một mình, mà với một đồng phạm được trang bị súng lục, nhưng người kia sợ bắn và biến mất.

Sau chiến công cứu vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô, Thượng sĩ Melnikov đã nhận được Huân chương Hành động Dũng cảm và một vé tham dự một buổi hòa nhạc để vinh danh “Ngày Cảnh sát”. Sau sự cố Mikhail Gorbachev, lo sợ nguy cơ bị ám sát, các nhà lãnh đạo nước Nga không bao giờ bước lên lễ đài của Lăng nữa./.