Quân đội chính phủ Iraq đã có bước tiến lớn trong việc giành lại thành trì cuối cùng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq là Mosul khi tiến vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi cuộc giao tranh diễn ra ác liệt cũng là lúc thảm họa nhân đạo diễn ra nghiêm trọng nhất khi có hàng trăm nghìn người dân bị mắc kẹt cùng với hàng chục nghìn người bị IS đưa đi làm lá chắn sống.

mosul_akxh.jpg
Chiến dịch giải phóng Mosul khỏi IS vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù đã tiến vào khu vực thành phố nhưng thời tiết xấu đang cản trở cuộc tấn công Mosul của các lực lượng an ninh tại Iraq. Bên cạnh đó, ở thành phố Mosul, IS giăng bẫy khắp nơi, thậm chí phục kích.  

Trung tướng Mỹ Stephen Townsend, tư lệnh liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria, đã nhận định như vậy về chiến dịch này. Theo ông, việc giành lại các thị trấn, làng mạc thì dễ nhưng tái chiếm thành phố lớn thứ hai của Iraq với 1,2 triệu dân, trong đó nhiều người bị IS bắt làm lá chắn sống là vấn đề nan giải.

"Chúng ta không thể dự đoán bao lâu lực lượng an ninh Iraq sẽ đánh bại IS tại Mosul. Chúng tôi tin tưởng họ sẽ thành công như tại Baiji, ở Ramadi hay ở Fallujah. Điều này cho thấy, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn, nhưng người Iraq đã chuẩn bị cho cuộc chiến này và chúng ta sẽ đứng về phía họ”.

Cũng theo ông Townsend, một khi IS đánh mất vùng lãnh thổ mà chúng gọi là "Vương quốc Hồi giáo", chúng sẽ biến thành lực lượng nổi dậy, tấn công tất cả mọi nơi có thể, kể cả bên trong và bên ngoài Iraq.

Nhận định của ông Townsend cũng giống như những gì mà các tổ chức cứu trợ nhân đạo lo ngại. Hiện có thông tin IS đang dồn ép người dân ở Mosul tập trung lại ở trong và xung quanh thành phố, nhiều khả năng sẽ dùng họ làm “lá chắn sống” ngăn cản bước tiến của các lực lượng Iraq.

Thực tế trên đã đặt ra cho các tổ chức quốc tế nhiều khó khăn và thách thức trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Mosul. Cao ủy phụ trách vấn đề người tị nạn của Liên Hợp Quốc, ông Filippo Grandi cho biết, đã chuẩn bị lều tạm, nước uống, thực phẩm và thuốc men cho công tác hỗ trợ nhưng khẳng định việc tìm một địa điểm thích hợp để tiếp nhận người lánh nạn không hề dễ dàng.

Ông Grandi cũng cho biết, trong vài ngày tới Cao ủy  Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn sẽ tiếp nhận 150.000 người Iraq chạy trốn xung đột và giao tranh từ thành phố Mosul. Mới đây, ông Grandi cũng đã đến Jordan để thảo luận với Ngoại trưởng nước chủ nhà Nasser Judeh nhằm chuẩn bị khả năng tiếp nhận dòng người di tản khỏi vùng chiến sự Mosul.

Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người (OHCHR) cho thấy, cơ quan này đã chuẩn bị khoảng 30.000 lều trại, đáp ứng đủ nơi ở cho hơn 60.000 người trú ẩn, đồng thời dự kiến trong những ngày tới sẽ triển khai thêm gần 42.000 lều cho hơn 250.000 người nữa.

Bà Elisabeth Koek, cố vấn thông tin của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về tình hình trước mắt. Khi hoạt động quân sự diễn ra ác liệt thì sẽ nhiều người đến đây. Điều này cũng tạo ra áp lực cho chúng tôi đặc biệt là khi khu trại này đang được xây dựng”.

Về phần mình, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết đã sẵn sàng cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho trẻ em, ước tính chiếm khoảng một nửa số người di tản khỏi vùng chiến sự. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy quân đội Iraq đã phát đi thông báo yêu cầu người dân tại thành phố Mosul cần tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa các vị trí của IS./.