Truyền thông Mỹ ngày 4/12 đưa tin, phe đối lập ôn hòa- vốn được Mỹ ủng hộ bấy lâu nay tại Syria đang xem xét khả năng hợp tác với các nhóm khủng bố có liên quan đến Al-Qaeda. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh đang khép chặt vòng vây tại thành phố chiến lược Aleppo và  khả năng lực lượng đối lập Syria sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền mới của Mỹ.

aleppo_ghzh.jpg
Cuộc nội chiến ở Syria vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Syria đang thực hiện chiến dịch bao vây khu vực do nhóm đối lập kiểm soát tại phía đông Aleppo, kêu gọi các tay súng tự nguyện đầu hàng hoặc rời khỏi thành phố. Aleppo – thành phố do nhóm đối lập kiểm soát từ năm 2012 được cho là chiến trường quyết định và bên nào chiến thắng sẽ định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. 

Chiến dịch tái chiếm toàn bộ Aleppo của quân đội Syria đang có nhiều bước tiến, với ước tính khoảng 60% diện tích do lực lượng đối lập tại phía Đông đã được giải phóng hoàn toàn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần qua cũng bắt đầu tính đến kế hoạch kêu gọi Mỹ hợp tác trong việc giải phóng toàn bộ lãnh thổ phía đông Aleppo.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi sẵn sàng cử các chuyên gia quân sự, nhà ngoại giao đến để thảo luận với các đối tác Mỹ, theo một kế hoạch chung nhằm đảm bảo việc các nhóm vũ trang rút khỏi hoàn toàn miền Đông Aleppo, đảm bảo nguồn viện trợ nhân đạo vào thành phố cũng như cuộc sống ổn định được lập lại tại phía Đông Aleppo. Cuộc gặp này sẽ xác định thời gian cụ thể để tiến hành các bước đi cần thiết giải phóng hoàn toàn Aleppo”.

Không chỉ thất thế tại Aleppo, lực lượng đối lập Syria cũng lo ngại sự hậu thuẫn của Mỹ kéo dài hơn 3 năm qua sẽ chấm dứt dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump. Tổng thống đắc cử Trump nhiều lần khẳng định, đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, chứ không phải là chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, là ưu tiên hàng đầu của ông trong khu vực. Ông Trump cũng đã có các cuộc thảo luận về việc hỗ trợ cho Nga và Chính phủ Syria trong cuộc chiến đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Trước những thay đổi thực tế tại Syria cũng như quốc tế, Washington Post  ngày 4/12 trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ, chuyên gia khu vực và chính từ các nhóm đối lập Syria cho biết, lực lượng này đang đưa ra kế hoạch và chiến lược mới.

Một trong số đó là hợp tác chặt chẽ hơn với các nhóm vũ trang có liên hệ với Al-Qaeda và những nhóm cực đoan khác. Phe này cũng sẽ nhận thêm những vũ khí hiện đại hơn từ các quốc gia Hồi giáo Sunni trong khu vực, cũng như áp dụng chiến thuật du kích truyền thống, bao gồm bắn tỉa và thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ nhằm vào mục tiêu Nga và Syria.

Trong khi hầu hết các nước đều thống nhất rằng, IS phải bị loại khỏi các cuộc đàm phán chính trị tại Syria, thì việc xác định ai là khủng bố, ai là thành viên hợp pháp trong lực lượng đối lập tại Syria cũng là tranh cãi của các nước nhiều năm qua liên quan đến cuộc nội chiến Syria.

Ví dụ Nga và chính phủ Syria đều cho rằng nhóm Mặt trận Al-Nusra, đã tuyên bố tách khỏi Al-Qaeda tại Syria là một tổ chức khủng bố và cần phải tiêu diệt. Tuy nhiên, nhóm này vẫn thường xuyên chiến đấu cùng với các lực lượng được Mỹ và các nước đồng minh hậu thuẫn chống lại chính quyền của Tổng thống Assad. 

Nhiều chuyên gia quân sự, trong đó có các cựu quan chức Mỹ cho rằng,  phần lớn các tay súng vũ trang tại Syria thực tế là các phần tử cực đoan.

Tướng Michael Flynn- hiện được chỉ định là cố vấn an ninh Nhà trắng trong một tuyên bố trước đây cũng cho rằng, liên minh giữa các nhóm vũ trang đối lập và khủng bố tại Syria đang mạnh hơn nhiều so với dự đoán.

Qatar mới đây cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các tay súng đối lập Syria bất chấp việc chính quyền mới tại Mỹ có thể thay đổi chính sách. Những diễn biến này cho thấy, nếu lực lượng đối lập tại Syria chính thức bắt tay với các nhóm cực đoan, có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các nước liên quan, với những định nghĩa khác nhau về các nhóm khủng bố tại Syria./.