Những “tiền lệ” đáng lo ngại

Theo Reuters, năm 2013, tàu USS Cowpens mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã phải “đánh lái hết cỡ” mới có thể tránh được một tàu Hải quân Trung Quốc đang tìm cách chặn đường mình ở Biển Đông.

uss_cowpen_xpit.jpg
Tàu USS Cowpens (đi đầu) của Mỹ. Ảnh AP

Một năm sau, Mỹ lại cáo buộc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát một trong các máy bay thuộc lực lượng Hải quân nước này ở khoảng cách chưa đầy 9m. Nhà Trắng lúc đó đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi khiêu khích này”.

Đây mới chỉ là sự cố nguy hiểm mà cả Bắc Kinh và Washington đều muốn tránh thông qua việc đạt được thỏa thuận thiết lập một mạng lưới liên lạc giữa quân đội hai nước.

Tuy nhiên, những thỏa thuận sẵn có chủ yếu đều không mang tính ràng buộc, có những ngoại lệ và được cả Mỹ và Trung Quốc diễn giải một cách hoàn toàn khác nhau. Điều này dẫn đến việc leo thang căng thẳng ở Biển Đông nhất là trong bối cảnh Mỹ đang phô diễn sức mạnh Hải quân của mình nhằm đối phó với những yêu sách về chủ quyền trên biển phi lý của Trung Quốc.

Thách thức mạnh mẽ nhất mà Mỹ đưa ra với Trung Quốc chính là việc đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát vào khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ khẳng định, vụ điều tàu USS Lassen ngày 27/10 sẽ là vụ đầu tiên trong hàng loạt các cuộc tuần tra để “đảm bảo an ninh hàng hải” trong khu vực sắp tới.

Một trong những thỏa thuận đáng lưu ý giữa Mỹ và Trung Quốc là Bộ Quy tắc về Tránh Đối đầu bất ngờ trên Biển (CUES) mà hai bên cùng các quốc gia Tây Thái Bình Dương đã ký năm 2014. CUES đặt ra một lọat các quy tắc, bao gồm tốc độ, khoảng cách an toàn, cũng như ngôn ngữ được sử dụng để liên lạc giữa các tàu và cần phải làm gì nếu một chiếc tàu gặp nạn.

Mỹ- Trung “chĩa ngón tay” về phía đối phương

Giới chức Mỹ khẳng định, họ đã làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng, những sự cố như năm 2013 và 2014 sẽ không lặp lại nữa.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cáo buộc, tàu của Mỹ đã cố tình có những hành động gây hấn năm 2013. Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng máy bay của mình đã có hành động khiêu khích năm 2014 và nhấn mạnh, phi công của họ đã giữ khoảng cách an toàn.

Đáng lo ngại hơn nữa là CUES không hề có cơ chế áp đặt các bên phải tuân thủ và lại có quá nhiều lỗ hổng. Theo các chuyên gia quân sự. CUES không được áp dụng cho các tàu tuần duyên và các tàu dân sự mà Trung Quốc đang sử dụng với số lượng tăng lên rất nhanh để áp đặt yêu sách chủ quyền của mình.

Một số chuyên gia còn bày tỏ lo ngại rằng, liệu các quy tắc này có được áp dụng đối với mọi vùng biển hay chỉ ở những nơi được cả hai bên chấp thuận như là vùng biển quốc tế bởi sẽ có những “vùng xám tiềm tàng”, như khu vực tàu USS Lassen đi qua.

Tàu khu trục USS Lassen (đi đầu) cùng nhiều tàu khác trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh AP 

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể hy vọng các chỉ dẫn của CUES có thể đủ để tránh nguy cơ đối đầu tiềm tàng”, ông Michael O'Hanlon, chuyên gia về an ninh quốc gia tại Viện Brookings nhận định.

“Các chỉ dẫn này chỉ nhằm tránh xảy ra đối đầu do bất cẩn hoặc do một bên khiêu khích quá đà trong vùng biển quốc tế”, ông O'Hanlon nói thêm.

Không chỉ thông qua CUES, Mỹ và Trung Quốc năm 2014 cũng đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) đề ra những quy tắc về cách ứng xử khi hai bên chạm mặt trên không và trên biển.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, MOU năm 2014 áp dụng cho tất cả các trường hợp tàu và máy bay Hải quân Mỹ và Trung Quốc trong trường hợp chạm mặt nhau.

“Dĩ nhiên, các quy định này sẽ bị bỏ qua nếu một bên cố tình muốn như vậy và điều này có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Dù vậy, bên gây hấn sẽ không chịu hậu quả gì ngay cả khi vi phạm những thỏa thuận nói trên”, bà Glaser nói.

Trong cuộc điện đàm từ xa ngày 29/10, Đô đốc Trung Quốc Wu Shengli đã “nhắn nhủ” với Đô đốc Mỹ John Richardson rằng, khi tàu USS Lassen tiến vào vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên cho rằng mình có chủ quyền, tàu Hải quân Trung Quốc đã phát lệnh cảnh cáo tàu khu trục Mỹ vài lần theo thỏa thuận CUES.

Ông Wu cáo buộc: “Những cảnh báo này đã bị tàu Mỹ phớt lờ và Hải quân Trung Quốc cảm thấy quan ngại sâu sắc”.

Trung Quốc bị tố “mập mờ về yêu sách chủ quyền”

Các chuyên gia trong khu vực đều cho rằng, Trung Quốc đã quá mập mờ về yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc cố tình áp đặt trên các bãi đá mà nước này đang cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Trong khi CUES đề ra những chỉ dẫn nhằm tránh đối đầu giữa tàu của các nước, các quy định rộng hơn đều được ghi rõ trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)- một vấn đề cũng gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy rất nhiều công trình được Trung Quốc xây dựng trái phép trên một bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh EPA

UCLOS cho phép các quốc gia ven biển thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển của mình và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Trong EEZ của mình, các quốc gia có quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt thủy hải sản nhưng tàu các nước khác có quyền tự do đi lại trong khu vực này.

Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là việc liệu tàu và máy bay quân sự các nước có được bay qua khu vực EEZ hay không?

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ngay cả khi hoạt động này nằm bên ngoài lãnh hải mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt. Trong khi đó, Washington khẳng định, các hoạt động quân sự của mình trong EEZ của nước khác được chấp thuận theo quy định của UNCLOS./.