Ấn Độ vừa lập kỷ lục tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi quốc gia này khởi động chiến dịch tiêm chủng vào đầu năm nay. Có được kết quả đáng mừng đó là nhờ Ấn Độ tăng tốc trong hoạt động sản xuất vaccine. Sản lượng vaccine trên toàn quốc hiện tăng gấp hai lần so với sản lượng hồi tháng 4 vừa qua.
Đây là một tin vui với các nước trong khu vực, bởi hoạt động sản xuất vaccine của Ấn Độ là mắt xích quan trọng trong nỗ lực tăng cường nguồn cung toàn cầu. Sau khi Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu vaccine vào tháng 4/2021 để tập trung cho chương trình tiêm chủng trong nước, kế hoạch tiêm chủng của không ít quốc gia tại châu Á và châu Phi đã bị xáo trộn nghiêm trọng.
Những thông tin tích cực về vaccine cũng đến từ Ai Cập khi nước này thông báo kế hoạch sản xuất một tỷ liều vaccine Sinovac của Trung Quốc mỗi năm. Dự án này được kỳ vọng đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vaccine của hãng dược Pfizer/BioNTech và hãng Moderna, nhằm giúp tăng sản lượng vaccine trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng trở lại trong toàn khối.
Cùng với đó, Ủy ban châu Âu (EC) và hãng dược AstraZeneca cho biết đã đạt thỏa thuận về việc phân phối lượng vaccine ngừa Covid-19 còn lại trong hợp đồng, kết thúc vụ kiện tại Brussels về vấn đề này. Theo thỏa thuận, AstraZeneca cam kết bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) 60 triệu liều vaccine trước cuối Quý 3 năm nay, 75 triệu liều vào cuối Quý 4 và 65 triệu liều trước cuối Quý 1 năm sau.
Ông Keersmaecker, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết thêm: “Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu sẽ được cung cấp lịch trình bàn giao định kỳ và có thể giảm giá mua trong trường hợp AstraZeneca chậm bàn giao. Chúng tôi sẽ có những thông tin tiếp theo”.
Việc AstraZeneca và Ủy ban Châu Âu đã đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt một cuộc tranh cãi về tình trạng thiếu hụt vaccine đối với chiến dịch tiêm chủng khu vực.
Mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 là tín hiệu tốt, song giới chuyên gia cho rằng, bài toán phân phối hợp lý vaccine vẫn phải được giải quyết sớm. Bởi nếu vaccine sản xuất dư thừa mà không kịp thời đến được những khu vực cần thì sẽ gây lãng phí.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phân phối vaccine thông qua cơ chế COVAX hoặc các sáng kiến khác nhằm chia sẻ liều lượng với các nước nghèo hơn.
“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã ký hợp đồng cung cấp vaccine thông qua cơ chế COVAX có lịch giao hàng sớm và ưu tiên hoàn thành hợp đồng cũng như đưa ra các dự báo nguồn cung rõ ràng. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các nước khác đang dư thừa vaccine hãy nhanh chóng thực hiện cam kết của họ vì cho đến nay, chỉ có 10% trong số gần 900 triệu liều thuốc đã cam kết đã được vận chuyển".
Theo Liên Hợp Quốc, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 để có thể tiêm chủng cho 70% dân số. Việc các nước nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung là động thái đáng khích lệ, kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán khó về tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu./.