- Trung Quốc-phương Tây mâu thuẫn về vụ phóng tên lửa của Ấn Độ
- Ấn Độ thử tên lửa và mối quan ngại an ninh khu vực châu Á - TBD
Sự kiện Ấn Độ phóng thành công tên lựa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni V, đưa nước này vào danh sách những cường quốc sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa gồm Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc đã khiến giới quân sự nhìn Ấn Độ bằng “một con mắt khác”. Đứng đằng sau sự thành công ấy là một phụ nữ.
Tessy Thomas còn được gọi bằng một cái tên khác “Agniputri” - “Con gái của Lửa” nhờ những thành tích của bà trong lĩnh vực tên lửa. Năm nay 48 tuổi, bà Tessy Thomas có trên 20 năm gắn bó với chương trình tên lửa đạn đạo của Ấn Độ.
“Agniputri” - “Con gái của Lửa (Ảnh: in.com) |
Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật Thrissur, bà được Bộ Quốc phòng tiếp nhận vào chương trình nghiên cứu khoa học, nhưng cuộc đời của bà chỉ rẽ sang một bước ngoặt khi bà được phân về Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng (DRPO) chuyên nghiên cứu chế tạo tên lửa. “Cha đẻ” của chương trình tên lửa đạn đạo Ấn Độ, cũng là cựu Tổng thống Abdul Kalam là người đã quyết định việc đó: “Ông ấy là giám đốc phòng thí nghiệm đầu tiên mà tôi làm việc và chính ông ấy phân tôi vào dự án Agni”, bà nói.
Con đường hơn 20 năm đã đưa Tessy Thomas từ một nữ nhân viên nghiên cứu trở thành giám đốc chương trình Agni vào năm 2008. Thomas hiện đang dẫn đầu một nhóm 400 nhà khoa học, phần lớn là đàn ông.
Nói về cảm nhận của mình khi làm việc trong một lĩnh vực được coi là của nam giới, bà cho rằng “khoa học không phân biệt giới tính. Nghiên cứu và phát triển quốc phòng là lĩnh vực dựa trên tri thức”. Tessy Thomas cũng cho biết, trong dự án tên lửa đạn đạo của Ấn Độ có 20 nữ khoa học gia cùng làm việc với bà.
Cũng đã có lúc bà buồn vì thất bại, khi phiên bản đầu tiên của Agni-IV rơi xuống vịnh Bengal chỉ 30 giây sau khi rời bệ phóng. “Đó là một thất bại không hoàn toàn là một thất bại. Chúng tôi bối rối song có nhiều hỗ trợ và động viên… Đó là động lực để chúng tôi làm tốt hơn”, bà Thomas nói.
Cùng với những nỗ lực của Tessy Thomas và các đồng nghiệp của bà, các thế hệ tên lửa Agni lần lượt được chế tạo với tầm bắn ngày càng xa. Thành công mới đây nhất đến với Thomas và các cộng sự đó là vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng 19/4, đã “dựng lên cột mốc lớn trong chương trình tên lửa của Ấn Độ” như đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng A.K Antony.
Sau mỗi cuộc phóng thử thành công, Tessy Thomas lại mong muốn được về nhà, được dẫn cậu con trai Thjas về thăm mẹ bà ở Thathampally./.