Hồi đầu tuần này, nhà mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) Koryolink ở CHDCND Triều Tiên chính thức cung cấp dịch vụ kết nối internet thông qua ĐTDĐ chuẩn 3G. Tuy nhiên, chỉ người ngoại quốc thăm quan, làm việc hoặc sống tại nước này mới được sử dụng dịch vụ trên. Trưởng đại diện của AP tại Bình Nhưỡng Jean H Lee là một trong những người nước ngoài đầu tiên dùng dịch vụ này.
Đường phố ở Triều Tiên (Ảnh: Telegraph) |
Bà Lee kể: “Sau khi trả phí 75 euro (hơn 2 triệu đồng) và gửi một tin nhắn để kích hoạt dịch vụ, chúng tôi chờ biểu tượng sóng 3G (của nhà mạng Koryolink - NV) hiện lên trên chiếc điện thoại của mình… Những đồng nghiệp Triều Tiên rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi có thể lướt internet bằng ĐTDĐ”. Báo The Guardian dẫn lời bà Lee cho biết thêm: “Tất cả những thứ chúng tôi phải làm khi đến đây (Bình Nhưỡng) hồi tháng 2 là trình hộ chiếu, điền mẫu đăng ký, cung cấp số IMEI (số nhận dạng thiết bị di động) của ĐTDĐ rồi nhanh chóng nạp thẻ sim Koryolink. Nó khá đắt: thẻ sim có giá 50 euro, hay 70 USD (gần 1,5 triệu đồng), giá cước gọi tới Thụy Sĩ là 0,38 euro (hơn 10.000 đồng)/phút, gọi tới Mỹ là 8 USD (167.000 đồng)/phút”.
Sau khi kích hoạt dịch vụ trên, bà Lee cùng đồng nghiệp David Guttenfelder, cũng làm cho AP, lái xe quanh thủ đô Bình Nhưỡng. Hai người dùng iPhone chụp lại một số hình ảnh sinh hoạt đời thường tại đây rồi tải lên dịch vụ chia sẻ trực tuyến Instagram. Bà cho biết: “Đây là cách chúng tôi chia sẻ những gì chúng tôi thấy trong thời gian ở lại một quốc gia mà còn giới hạn đối với giới báo chí phương Tây”. Cũng nhờ dịch vụ 3G, người ngoại quốc tại Triều Tiên giờ đây có thể vào mạng xã hội. Vì thế, so với trước kia, nước này đang bước qua một chuyển biến mới giữa kỷ nguyên công nghệ thông tin của thế giới.
Trưởng đại diện Lee kể lại rằng trong chuyến thăm Triều Tiên vào năm 2008, bà và đồng nghiệp không được mang theo ĐTDĐ, ống kính dài, không được chụp hình nếu chưa được phép. Lúc rời khỏi Triều Tiên, lực lượng an ninh nước này kiểm tra xem máy ảnh của nhóm khách có lưu giữ hình ảnh chụp lại những thứ bị cấm hay không. Theo bà Lee, sự chuyển biến có thể bắt nguồn từ việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa ra lệnh đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ. Đến Bình Nhưỡng lần này, bà thấy nhiều máy tính xách tay trong các văn phòng làm việc.
Trong khi đó, báo The Telegraph cũng vừa đăng bài nhận định rằng những bức ảnh về Triều Tiên do bà Lee đưa lên Instagram cho thấy mạng xã hội cuối cùng đã tiếp cận được đất nước này. The Telegraph lập luận: “Những quan tâm mạng xã hội của Triều Tiên vừa được khám phá có thể xuất phát từ chủ ý của ông Kim Jong-un. Được đào tạo ở nước ngoài nên có thể ông đã ý thức được sự tụt hậu của đất nước mình”. Mới đây, vài hình ảnh cho thấy ông Kim có thể đang dùng một chiếc ĐTDĐ thông minh trong một cuộc họp với các cố vấn cấp cao. Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Google Eric Schmidt cũng vừa đến thăm Bình Nhưỡng.
Như đã nói, chỉ người ngoại quốc mới được dùng dịch vụ trên ở Triều Tiên. Theo Tân Hoa xã, hiện có 1,8 triệu người dân nước này dùng ĐTDĐ chuẩn 3G, vốn ra đời từ năm 2008. Tuy nhiên, “chú dế” của họ không thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế cũng như kết nối internet.
Các đại học ở Triều Tiên có hệ thống mạng nội bộ riêng để sinh viên gửi thư điện tử cho nhau nhưng không được gửi ra nước ngoài. Mạng này được gọi là Kwangmyong do nhà nước quản lý, chủ yếu gồm các tính năng như nhắn tin, đọc tin do truyền thông nhà nước cung cấp./.