Người dân Nam Phi đã chuẩn bị tinh thần vào hôm 27/6 để nói lời ly biệt với lãnh tụ chống chủ nghĩa apartheid, Nelson Mandela sau khi tình trạng của ông ở trong bệnh viện xấu đi hơn nữa, khiến Tổng thống Jacob Zuma phải hủy chuyến thăm nước láng giềng Mozambique.

Theo kế hoạch Zuma sẽ dự một hội nghị thượng đỉnh ở Maputo của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) nhằm thảo luận về cơ sở hạ tầng khu vực, nhưng đã hoãn việc này sau khi thăm vị cựu Tổng thống 94 tuổi ở bệnh viện vào cuối ngày 26/6.

“Trong 48 giờ qua, tình trạng của cựu Tổng thống Madiba đã xấu đi,” phát ngôn viên Tổng thống Mac Maharaj nói với truyền thông nhà nước. Madiba là cái tên trìu mến dùng để chỉ ông Mandela.

mandela%20dan%20tiec%20thuong%20cau%20nguyen.jpg
Anh hùng Nam Phi Nelson Mandela (ảnh: guardianlv)

Phát ngôn viên Maharaj nói tình hình của Mandela là nguy kịch. Ông từ chối bình luận về các tin tức cho rằng ông Mandela đang được duy trì sự sống nhờ trợ giúp y tế tại bệnh viện Pretoria nơi ông điều trị nhiễm trùng phổi.

Nelson Mandela đã ở viện được 20 ngày, trong lần nhập viện thứ 4 của ông trong vòng 6 tháng qua.

Thực tế này khiến ngày càng có nhiều người Nam Phi tin rằng “người cha già” của quốc gia hậu apartheid của họ sẽ không còn bên họ nữa.

“Mandela tuổi đã cao và cuộc sống ở tuổi này không dễ chịu lắm,” Ida Mashego, một nhân viên dọn dẹp văn phòng tại Johannesburg nói. “Tôi chỉ cầu mong Đức Chúa sẽ đón nhận ông vào lúc này. Ông ấy phải ra đi, ông ấy cần được yên nghỉ”.

Nelson Mandela - vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, được cả thế giới ngưỡng mộ như 1 biểu tượng chống lại bất công. Ông đã đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, và vì vậy đã phải “dành” 27 năm ngồi tù, hơn một nửa thời gian này là ở nhà tù khét tiếng trên đảo Robben.

Những lời chúc, bó hoa và thú nhồi bông chất đầy bên ngoài tư dinh của Mandela ở Johannesburg và bức tường bệnh viện nơi ông điều trị.

Người dân Nam Phi dường như đều đã chấp nhận thực tế sẽ mất người anh hùng của mình.

“Chúng tôi đều sẽ rất buồn khi ông ấy từ trần, nhưng đồng thời chúng tôi sẽ tôn vinh cuộc đời của ông. Ông đã làm muôn vàn điều vĩ đại cho đất nước này,” John Ndlovu, 1 nhân viên văn phòng 25 tuổi nói.

Nelson Mandela rút lui khỏi chính trường vào năm 1999 sau 5 năm tại vị.

Kể từ thời điểm đó, ông ít xuất hiện trước công chúng, chủ yếu dành thời gian nghỉ hưu của mình ở ngoại ô Johannesburg và làng Estern Cape nơi ông sinh ra./.