Chỉ hai ngày sau vụ 2 người Hồi giáo bắn hạ 14 người ở California (Mỹ) , một cuộc thăm dò dư luận do Reuters tiến hành cho thấy 51% số người Mỹ được hỏi coi cộng đồng Hồi giáo sinh sống ở Mỹ không khác với các cộng đồng khác và chỉ có 14,6% là tỏ ra sợ hãi.

nguoi_hoi_giao_o_my_nfxy.jpg
Người Hồi giáo ở Mỹ. Ảnh: Saudigazette.

Cuộc thăm dò nói trên là cuộc điều tra dư luận đầu tiên được thực hiện sau loạt vụ thảm sát ở Paris (Pháp) và San Bernardino (Mỹ). Sự khác biệt lớn nhất về quan điểm thể hiện ở các đảng lớn của Mỹ. Có tới 60% đảng viên Dân chủ xem người Hồi giáo như bao nhóm người khác trong xã hội Mỹ, trong khi phe Cộng hòa chỉ có 30%.

Sau hai sự kiện đẫm máu nói trên, trong xã hội Mỹ bắt đầu có sự chia rẽ trong cách nhìn nhận đối với người Hồi giáo, kể cả người đã sống ở Mỹ và những người đang tìm cách sang Mỹ tị nạn.

Amaney Jamal, một giáo sư chính trị học ở Princeton cho rằng, con số áp đảo (51%) nói trên là một dấu hiệu lành mạnh tuy nhiên vẫn phải dè chừng về con số những người sợ hãi người Hồi giáo.

Jamal nói tiếp: “Nếu xét đến mục đích gây chia rẽ người Hồi giáo và người Kitô giáo thì khủng bố đã thành công”.

Trong số 1.056 người tham gia cuộc tham dò trên toàn nước Mỹ thông qua mạng internet vào hôm 3-4/12, có tới 34,7% cho rằng họ sợ “một số nhóm và cá nhân” trong cộng đồng Hồi giáo.

Có tới 64% đảng viên Cộng hòa (so với 43% đảng viên Dân chủ) ủng hộ việc theo dõi sát sao các nhà thờ Hồi giáo, trong khi có 69% đảng viên Cộng hòa với (so với 48% đảng viên Dân chủ) ủng hộ việc đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo có mối liên hệ với các phần tử bị nghi là kẻ cực đoan Hồi giáo.

Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ - tỷ phú Donald Trump, mới đây bị chỉ trích khi ông này tuyên bố sẵn sàng đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo và cho rằng cần lập một cơ sở dữ liệu về tất cả người Hồi giáo.

Nhiều cử tri nói rằng họ nhất trí về quan điểm cho rằng người Hồi giáo thường ít chịu hòa đồng (vào xã hội Mỹ) so với các nhóm di cư khác.

Nhiều người Mỹ (41% số người được hỏi) tin rằng người Hồi giáo có xu hướng áp đặt tôn giáo của mình lên trên luật pháp.

Những người được thăm dò cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng người Hồi giáo Mỹ chưa hành động đủ mạnh để thông báo cho giới chức về những người nghi là khủng bố cực đoan./.