Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan chững lại trong vài năm trở lại đây, vấn đề làm thế nào để kinh tế phát triển khi trở thành thành viên của một cộng đồng có hơn 600 triệu người được nhiều nhà phân tích, giới chính trị cũng như người dân Thái Lan chờ đón.

asean_ouzj.jpg
Hình ảnh lá cờ ASEAN. Ảnh AP

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwina ngày 31/12 tuyên bố: "Vẫn những con người như vậy, vẫn những quốc gia mà chúng ta từng biết, nhưng nay sẽ là một khối và Thái Lan sẽ là một thành viên trong cộng đồng này.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết tạo ra những cơ chế nhằm xây dựng mối quan hệ các mặt thật gần gũi và chúng tôi nhận thấy, ngôn ngữ là một trong những trọng tâm mà chúng tôi thấy Thái Lan cần phải phát triển, đó là nâng cao ngôn ngữ cho người dân Thái Lan".

Ngoại trưởng Thái Lan cũng cho rằng, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nước ASEAN tăng cường hiểu biết và hợp tác với nhau tốt hơn.

Ông Kan Trakulhoon, Tổng giám đốc Tập đoàn Tập đoàn Xi măng Siam, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Thái Lan cho biết: Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, dự kiến ​​sẽ gia tăng sức cạnh tranh kinh doanh trên toàn khu vực, Tập đoàn SCG cũng sẽ gặp nhiều thách thức mới.

Tập đoàn đã lên kế hoạch trong một thời gian dài để nắm bắt những cơ hội ngay từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mới hình thành. Ngoài các AEC, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ thu hút thêm nhiều đối thủ cạnh tranh tìm kiếm một chỗ đứng trong thị trường khu vực.

Ông Kan Trakulhoon cho biết: "Từ trước đến nay, các đối thủ cạnh tranh của công ty hầu như chỉ là những công ty địa phương, nhưng từ bây giờ - khi chúng tôi trở thành AEC từ năm 2016, sức cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn do có nhiều công ty trên toàn cầu đổ vào khu vực ASEAN hấp dẫn này".

Giới truyền thông Thái Lan cũng quan tâm nhiều đến sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN bởi đây là cơ hội để báo chí Thái Lan tiếp cận đồng nghiệp trong khối.

Nhà báo Nareerat Wiryapong chuyên viết về kinh tế khu vực ASEAN đề cập đến việc đào tạo lao động tay nghề và đa dạng ngành nghề đảm bảo nhu cầu lao động trong nước.

Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) việc cải thiện dịch chuyển lao động có tay nghề cao và mở ra cơ hội việc làm mới, nhu cầu lao động có tay nghề trung và cao dự kiến ​​sẽ tăng, cùng với sự cạnh tranh để thu hút những tài năng.

Hiện nay, Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN cần tiếp tục cải thiện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sử dụng lao động, họ cũng cần phải tập trung giải quyết các "khoảng trống" lực lượng lao động còn tồn tại để đảm bảo không làm gián đoạn các kế hoạch phát triển quốc gia của họ.

Thực tế cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm ở 5 quốc gia (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) là khá cao, song khoảng trống lao động trong một số ngành nghề vẫn còn tồn tại.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tạo điều kiện để kinh tế Thái Lan phát triển tốt hơn, đó cũng là quan điểm của ông Suphana Moongkolsuthi Chủ tịch Hội đồng công nghiệp Thái Lan.

Ông Suphana cho rằng, năm 2016 nền kinh tế Thái Lan sẽ phát triển không dưới 3,5%. Đây là mức tăng trưởng có thể thấp so với nhiều nước trong Cộng đồng, nhưng sẽ là một tín hiệu vui đối với Thái Lan khi nền kinh tế Thái Lan đang chững lại trong nhiều năm qua.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN cũng giúp Thái Lan đón nhận nhiều khách du lịch trong khối hơn do việc mở rộng các chính sách về miễn thị thực như một thị thực cho nhiều nước cũng như tăng cường xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Các quan chức ngành du lịch Thái Lan cho rằng, hội nhập Cộng đồng ASEAN, Thái Lan sẽ đón tiếp thêm hàng trăm ngàn du khách nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ giữa Thái Lan với 4 nước trong khối ASEAN có biên giới bộ giáp nước này.

Về kinh tế, ông Suphana cho biết qua khảo sát có tới gần 90% các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đã sẵn sàng cho hội nhập Cộng đồng ASEAN, tạo điều kiện để hàng hóa Thái Lan có thể xuất hiện tại các nước thành viên của Cộng đồng ASEAN./.