Tại Shifa, cơ sở y tế lớn nhất trong số 13 bệnh viện và 54 phòng khám tại dải Gaza, số giường chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi lên 32, khi số người bị thương do xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Palestine lên đến 1.900 người.

Giống như phần còn lại của hệ thống y tế, bệnh viện 750 giường đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị từ trước khi giao tranh nổ ra vào ngày 10/5. Vấn đề không chỉ nằm ở nguồn cung thuốc men, nhiên liệu cho máy phát điện cung cấp năng lượng ở các bệnh viện Dải Gaza cũng đang dần cạn kiệt, trong khi nguồn điện chính gián đoạn liên tục.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các cuộc tấn công của Israel đã làm hư hại ít nhất 18 bệnh viện, phòng khám và phá hủy cơ sở xét nghiệm Covid-19 duy nhất của vùng lãnh thổ này. Hiện các cơ sở y tế Gaza vừa phải cứu chữa cho những người bị thương do bom đạn, vừa phải đáp ứng các nhu cầu khác của 2 triệu người dân Gaza, bao gồm ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, đây là một thảm họa nhiều tầng lớp. Hệ thống y tế sẽ không bao giờ có đủ thời gian để tái thiết giữa các cuộc khủng hoảng.

Ông Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế thế giới  cho biết: “Tại dải Gaza, mức độ nghiêm trọng của thương vong đang làm căng thẳng hệ thống y tế vốn đã quá tải vì đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc và vật tư  thiết yếu. Ngoài ra, việc đóng cửa biên giới cũng hạn chế việc nhập vật tư y tế  khiến cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng (vì dịch Covid-19) tại dải Gaza càng thêm trầm trọng”.

Không chỉ hệ thống y tế của dải Gaza bị phá hủy, cơ sở hạ tầng, trường học tại dải Gaza cũng bị tàn phá nghiêm trọng sau các vụ không kích của Israel.

Ông Nayeem Al-Seqseq, chủ một nhà máy tại khu công nghiệp ở dải Gaza cho biết: “Hai đợt không kích của Israel đã phá hủy nhiều nhà máy tại khu công nghiệp. Khu công nghiệp này được cho là an toàn. Chúng tôi đã hoạt động ở đây nhiều năm. Khu công nghiệp là nền kinh tế của Gaza. Việc Israel phá hủy khu công nghiệp chính là đánh vào nền kinh tế của dải Gaza”.

Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), các vụ ném bom của Isarel đã làm hư hại hơn 50 trường học, phá hủy ít nhất 6 ngôi trường trên khắp lãnh thổ khiến cho việc học của gần 42.000 trẻ em bị gián đoạn. 

Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến thảm họa nhân đạo, nhiều nước và tổ chức đã có những động thái hỗ trợ Dải Gaza.  Mỹ cam kết sẽ khôi phục các  hoạt động hỗ trợ nhân đạo cũng như tái thiết tại dải Gaza. Quốc gia láng giềng Ai Cập cũng đã cam kết tài trợ 500 triệu đô la cho các nỗ lực tái thiết Dải Gaza sau các trận không kích của Israel, đồng thời  bố trí 11 bệnh viện tiếp nhận người Palestine bị thương từ Dải Gaza.

Trước đó cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 7 triệu USA trong vòng 6 tháng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế tại Dải Gaza và khu Bờ Tây. Ngoài ra, Ủy ban cứu trợ khẩn cấp y tế (MER-C) - tổ chức nhân đạo của Indonesia cho biết sẽ gửi một nhóm phẫu thuật viên và thuốc men đến Dải Gaza./.