Sự việc bắt đầu hôm 28/7 khi Thị trưởng thành phố Cannes, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp ra lệnh cấm việc mang trang phục burkini trên các bãi biển ở thành phố này, với lí do trong bối cảnh an ninh phức tạp tại Pháp, sự hiện diện của một trang phục có yếu tố tôn giáo trên các bãi biển có thể tạo nên những bất ổn xã hội.
Ngay sau quyết định của Cannes, một loạt các thành phố nhỏ khác ở Pháp, đặc biệt là những nơi có bãi biển như Villeneuve Loubet, Sisco, Mandelieu la Napoule, Le Touquet… cũng đã ra các lệnh cấm tương tự.
Burkini là từ ghép của hai từ bikini và burqa, một loại trang phục đặc trưng của phụ nữ Hồi giáo với đặc điểm là che kín đầu và toàn thân của người phụ nữ Hồi giáo khi xuất hiện ở nơi công cộng.
Burkini được cho là ra đời cách đây hơn 10 năm, xuất phát từ Australia, với mục đích tạo cơ hội cho các phụ nữ Hồi giáo được xuống tắm biển mà không vi phạm các điều luật tôn giáo khắt khe về trang phục.
Chính vì thế, ngay sau khi các lệnh cấm burkini được nhiều thành phố biển ở Pháp ban ra, cộng đồng Hồi giáo đã phản đối gay gắt. Cộng đồng chống việc bài Hồi giáo tại Pháp (CCIF) đã kiện Thị trưởng Canra Tòa hành chính Nice nhưng hôm 12/8, Tòa hành chính Nice đã bác đơn kiện và cho rằng vị Thị trưởng Cannes, ông David Lisnard đã có lý khi cho rằng bơkini có thể tạo ra các căng thẳng xã hội trong bối cảnh nước Pháp vẫn đang duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố, trong đó mới nhất là vụ khủng bố tại Nitx hôm 14/7 khiến 85 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, phán quyết này của Tòa hành chính Nice không dập tắt được các tranh cãi trong xã hội Pháp. Theo luật của Pháp, việc mang niqab và burka, những trang phục Hồi giáo che kín hoàn toàn thân thể, bị cấm ở các địa điểm công cộng bởi nước Pháp vốn luôn đề cao tính “thế tục” và cho rằng tại mọi địa điểm công cộng như công sở hay trường học, không có yếu tố tôn giáo hay chính trị nào được phép hiện diện.
Tuy vậy, burkini là trang phục mới xuất hiện, được xem là một biến thể của bơ-ca dành riêng cho việc tắm biển và luật pháp Pháp cũng chưa có điều luật cụ thể nào liên quan đến việc có cấm burkini hay không.
CCIF và cộng đồng Hồi giáo tại Pháp tuyên bố sẽ theo kiện đến cùng tất cả các chính quyền địa phương ra lệnh cấm burkini và coi đây là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. CCIF cũng đã gửi đơn lên Tham chính viện Pháp, cơ quan có thẩm quyền tối cao về việc xem xét các hành động vi hiến, nhằm phản đối phán quyết của Tòa hành chính Nice.
Trong lúc đó, nhiều chính trị gia Pháp lại lên tiếng ủng hộ quyết định cấm burkini. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố “việc mang burkini không tương thích với các giá trị của nước Pháp và của nền Cộng hòa” và cho biết ông thông hiểu và ủng hộ quyết định của các Thị trưởng các thành phố ra lệnh cấm burkini. Ông Van cũng cho rằng burkini không phải là mới mà chỉ là một biểu hiện của việc thiếu tôn trọng nữ quyền.
Những tranh cãi về burkini cho thấy mọi chủ đề liên quan đến Hồi giáo hiện nay đều có thể dễ dàng bùng phát và gây chia rẽ xã hội Pháp, đặc biệt trong bối cảnh nước Pháp bị tấn công và đe dọa thường trực bởi chủ nghĩa khủng bố mà thủ phạm đa số là các phần tử Hồi giáo cực đoan. Mới đây chính phủ Pháp đã đề ra ý tưởng thiết lập những cuộc đối thoại hoàn toàn mới với cộng đồng Hồi giáo tại Pháp và yêu cầu cộng đồng này công khai lên án và đấu tranh chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Tuy nhiên, các đảng phái đối lập cũng như nhiều chuyên gia chính trị Pháp phê phán rằng những lời kêu gọi này là quá mềm yếu và thiếu hiệu quả bởi điều chính phủ Pháp cần hiện nay là các chính sách an ninh cứng rắn để triệt tiêu tận gốc rễ các mầm mống của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chứ không phải là các cuộc đối thoại không thực chất. Các tranh luận về chủ đề này dự đoán sẽ vô cùng gay gắt trong thời gian tới khi chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, một cuộc bầu cử mà chủ đề an ninh và tôn giáo được xem là đặc biệt nhạy cảm và đáng chú ý./.