Hơn 2 tuần sau khi vụ nổ kinh hoàng xé toạc thành phố Beirut khiến 181 người tử vong và toàn bộ khu dân cư đổ nát, Sandra Abinader vẫn giật mình dù chỉ với những âm thanh nhỏ nhất.
“Một ngày nọ, tôi đang cố gắng mở một cái lọ và tiếng nổ khiến tôi giật mình quay lại. Tôi cảm thấy cần phải bỏ chạy ngay lập tức”, Sandra kể lại.
Mặc dù nhận ra những khó khăn đang diễn ra trước mắt, Sandra, 18 tuổi cho biết, cô không quan tâm đến việc tìm kiếm sự trợ giúp. “Chúng tôi đã quen với việc tự giải quyết những vấn đề của mình”, Sandra nói.
Thái độ của Sandra là khá phổ biến ở Lebanon, một đất nước từng trải vài cuộc xung đột và cũng là nơi mà vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn chưa được quan tâm.
Tuy nhiên, vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8 đã khiến Lebanon rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương sau nhiều tháng đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Hiện các bác sĩ đang cảnh báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tâm thần trên toàn quốc, khi người dân bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chấn thương tâm lý sau vụ nổ như gặp ác mộng, hồi tưởng, khóc, lo lắng, tức giận và kiệt sức.
Các nhà tâm lý học cho biết, điều này đang trở nên trầm trọng hơn khi truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội ở Lebanon liên tục đưa tin về những hình ảnh của vụ nổ và hậu quả thảm khốc của nó.
Jad Daou, tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ về sức khỏe tâm thần Embrace cho biết: “Mỗi khi chúng chúng tôi nói rằng tình hình không thể tồi tệ hơn ở Lebanon, thì bằng cách nào đó, chuyện tồi tệ hơn lại xảy ra. Rất nhiều người đang cảm thấy tuyệt vọng về tình hình hiện tại ở Lebanon”.
Tổ chức Embrace, nơi thường nhận được từ 150-200 cuộc gọi tư vấn mỗi tháng, cho biết, đã có nhiều người gọi tới hơn kể từ khi xảy ra vụ nổ. Tổ chức đã tới một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ nổ và gõ cửa từng nhà để hỗ trợ tâm lý cho người dân.
Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần đã được huy động để hỗ trợ người dân và đưa ra những lời khuyên trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, có một số chuyên gia cũng đang phải giải quyết khó khăn của chính mình.
“Tôi chưa bao giờ để các nhà tâm lý học nói rằng, chúng ta chưa sẵn sàng chia sẻ vào lúc này. Tôi cần thời gian để chữa lành vết thương cho bản thân. Tuy nhiên chấn thương về tâm lý đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Họ cần phải chữa lành vết thương của chính mình trước khi có thể giúp đỡ người khác”, nhà tâm lý học Warde Bou Daher nói.
Trong khi Sandra cho biết, cô đã không khóc kể từ khi vụ nổ xảy ra, em họ của cô Lourdes Fakhri đã không thể cầm được nước mắt khi kể lại khoảnh khắc chứng kiến vụ nổ đã khiến hơn 6.000 người bị thương.
Khi vụ nổ xảy ra, Lourdes Fakhri đã chạy từ siêu thị, nơi cô làm việc về nhà ở khu Karantina gần cảng Beirut, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do lo sợ gia đình cô đã thiệt mạng.
“Khắp nơi đều đổ nát. Tôi cảm tưởng như gia đình tôi đang bị đè bẹp dưới đống đổ nát”, Lourdes nhớ lại.
Bố mẹ và 6 anh chị em của Lourdes đều may mắn sống sót nhưng cảm giác sợ hãi vẫn luôn ám ảnh cô.
Đối với những người lớn tuổi ở Lebanon, vụ nổ ngày 4/8 gợi lại ký ức về cuộc nội chiến năm 1975-1990 và cuộc chiến năm 2006 với Israel.
Ola Khodor, nhà tâm lý học trẻ em, 25 tuổi cho biết, nhiều người chưa từng giải quyết những tổn thương của bản thân và không biết cách giúp đỡ con cái của họ.
“Rất nhiều người đang nói với con của họ rằng không có gì xảy ra, tất cả chỉ là một trò chơi. Những đứa trẻ xứng đáng được biết sự thật, không cần phải quá chi tiết, nhưng chúng cần biết chính xác những gì xảy ra để chúng được phép đau buồn”, chuyên gia Khodor nói.
Theo các chuyên gia, chấn thương tâm lý bắt đầu hình thành trong vài tuần sau khi một sự kiện xảy ra, khi mọi người thoát khỏi giai đoạn “căng thẳng cấp tính”. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 21/8 ước tính rằng, một nửa số trẻ em mà họ khảo sát ở Beirut đã có dấu hiệu chấn thương tâm lý./.