Ngày 28/12, những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đe dọa sẽ chiếm giữ thủ đô Bangkok ngay sau kì nghỉ tết. Trong khi đó, phe Áo Đỏ cũng chuẩn bị đối phó lại một cuộc đảo chính có thể xảy ra. Theo các nhà quan sát, cuộc đối đầu giữa phe biểu tình và đảng cầm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shiwanatra sẽ còn kéo dài và chưa biết hồi nào ngã ngũ. Điều này sẽ đưa Thái Lan vào ngõ cụt đầy bất ổn.
Lãnh đạo biểu tình, ông Suthep bắt tay một người ủng hộ trong một cuộc diễu hành ở Bangkok hôm 22/12 (Ảnh: AP) |
Lãnh đạo phe biểu tình ở Thái Lan, ông Suthep Thaugsuban cho biết, những người biểu tình sẽ chiếm giữ và kiểm soát thủ đô Bangkok ngay sau khi họ kết thúc kỳ nghỉ Tết.
Trong khi đó, những người lãnh đạo phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đã kêu gọi mọi người chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với bất kì hành động đảo chính nào có thể xảy ra sau khi Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết không thể loại trừ khả năng quân đội sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Mặc dù trước đó Tướng Prayuth và nhiều chỉ huy quân đội khác đều cho rằng đảo chính không phải là cách giải quyết những vấn đề ở Thái Lan, nhưng những lời phát biểu mới nhất của ông đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ diễn ra đảo chính.
Trả lời báo giới, ông Prayuth cho biết: “Quân đội không đóng hay mở cánh cửa dẫn đến một cuộc đảo chính, quyết định tùy thuộc vào tình hình sẽ diễn ra ở Thái Lan. Người dân nên hỗ trợ quân đội bởi vì chúng tôi đang cố gắng để làm điều đúng. Chúng tôi đang cố gắng để tránh sử dụng những biện pháp bất đắc dĩ hoặc sử dụng vũ lực. Chúng tôi đang cố gắng sử dụng các biện pháp hòa bình như đàm phán".
Trong khi đó, đoàn biểu tình vẫn đang tiếp tục tạo áp lực buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức. Họ tụ tập, phá rối các địa điểm đăng ký bầu cử khiến 4 trong 77 địa điểm đăng ký bầu cử phải đóng cửa.
Sáng 29/12, đoàn biểu tình đã tìm cách ngăn cản không cho nhân viên của Uỷ ban Bầu cử Trung ương phía Nam Thái Lan nhận đơn ghi danh sách tranh cử.
Ngoài ra, ngày 28/12 lại có thêm 1 người thiệt mạng khi các các tay súng không rõ danh tính nã đạn về phía người biểu tình. Trước đó, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho biết, chính phủ sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử vào tháng 2/2014.
Lời kêu gọi quân đội giúp đỡ cho thấy Thủ tướng tạm quyền Yingluck quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử mà Đảng vì nước Thái được dự báo sẽ chắc thắng. Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck cũng bác đề nghị hoãn bầu cử của Uỷ ban Bầu cử trung ương Thái Lan cho đến khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Với những gì diễn ra trong những ngày qua cho thấy sự thỏa hiệp của Thủ tướng tạm quyền Yingluck bằng cam kết về một cuộc bầu cử trước thời hạn chưa phải là chìa khóa để tháo gỡ những bất đồng sâu sắc đang tồn tại. Việc phe đối lập và người biểu tình không từ bỏ những hành động gây sức ép với chính phủ cho thấy con đường hòa giải phía trước vẫn cực kỳ khó khăn. Đòi hỏi mà thủ lĩnh biểu tình Suthep đưa ra là thay thế chính phủ hiện nay bằng một "Hội đồng nhân dân" không qua bầu cử khiến việc tìm kiếm giải pháp cho bất ổn thêm phức tạp.
Thật khó để giải thích về sự tồn tại của một "Hội đồng nhân dân" không do dân bầu trong một đất nước đang vận hành theo quỹ đạo của dân chủ và Hiến pháp. Nếu như mục đích của tuyên bố này là để lực lượng biểu tình giành quyền lựa chọn đội ngũ lãnh đạo tương lai cho mình thì mọi nỗ lực giải quyết bế tắc sẽ quay lại điểm xuất phát. Không có gì để khẳng định sẽ khôi phục được sự bình yên theo cách thức này, bởi lẽ điều đó chắc chắn không đại diện cho lợi ích của hơn 70 triệu người dân Thái Lan./.