Theo AFP, dù chưa rõ lệnh giới nghiêm được giới chức Baltimore áp đặt vào đêm 28/4 có hiệu lực đến đấu nhưng hình ảnh trên truyền hình cho thấy vẫn còn rất nhiều thanh niên da màu ra đường sau 10h đêm, giờ bắt đầu lệnh giới nghiêm. 

bieu_tinh_xlee.jpgHai thanh niên Baltimore ra đường bất chấp lệnh giới nghiêm (Ảnh AFP)

Cảnh sát Baltimore cho biết, họ sẽ áp đặt bằng được lệnh giới nghiêm, tuy nhiên, họ cũng đã không tiến hành những hành động trấn áp hàng trăm người biểu tình đổ ra đường vài giờ sau khi lệnh giới nghiêm được thiết lập. 

Bên cạnh đó, lực lượng vệ binh Mỹ cũng đã được điều đến thành phố cảng có dân số 620.000 người nhằm ngăn cản khả năng bạo động tiếp tục diễn ra sau khi những hành động bạo lực bùng nổ tại đây ngày 27/2, sau đám tang của Freddie Gray, một thanh niên da màu 25 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt giữ. 

Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, những hành vi bạo động của người da màu đã “gây khó” cho chính quyền khi đưa ra những chính sách dành cho họ tại Mỹ. 

Dù lên án các hành vi bạo động tại Baltimore, ông Obama cũng khẳng định, hàng loạt các vụ việc nhằm vào người da màu, bắt đầu tự vụ cảnh sát bắt chết một thanh niên da màu tại Ferguson, Missouri vào năm ngoái, là cực kỳ đáng lo ngại. 

“Sau vụ Ferguson, chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều vụ các sĩ quan cảnh sát đụng độ dân thường, mà chủ yếu là người da màu. Đây là điều cực kỳ khó hiểu. Tôi nghĩ rằng, lực lượng cảnh sát phải tự xem xét lại mình”, ông Obama nhấn mạnh. 

“Đây không phải là điều gì mới mẻ cả, điều này đã diễn ra hàng thập kỷ rồi”, ông Obama khẳng định. 

Cảnh tượng căng thẳng vẫn diễn ra vào sáng 28/4, khi đám đông người biểu tình cố vượt qua hàng rào cảnh sát buộ cảnh sát phải phun hơi cay giải tán và bắt giữ một số người.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan đã đến thị sát hiện trường và cam kết “những gì đã xảy ra tại Baltimore ngày 27/2 sẽ không bị lặp lại”. 

“Chúng tôi đã điều 2.000 vệ binh quốc gia và hơn 1.000 nhân viên thực thi pháp luật đến làm nhiệm vụ”, ông Hogan nói. 

Dù lên án những người gây ra bạo động, người dân Baltimore cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào lực lượng cảnh sát tại đây. Bà Aretha Williams, 45 tuổi, cho biết: “Tôi tin là có rất nhiều cảnh sát là những kẻ phân biệt chủng tộc. Họ trở thành cảnh sát chỉ đề hợp thức hóa việc giết chóc của mình”. 

Trong khi đó, ông Clarence, 68 tuổi, cho biết, ông chưa từng thấy Baltimore căng thẳng như thế này kể từ năm 1968, khi một vụ bạo động khiến 6 người thiệt mạng và 700 người bị thương. 

“Cảnh sát thật tàn nhẫn. Khi họ còng tay ai đó, họ không được đánh đập anh ta. Dù một số cảnh sát là người tốt nhưng phần đông là xấu xa”./.