Dư luận quốc tế đã đánh giá tích cực thỏa thuận này và cho rằng thảo thuận sẽ góp phần vào phát triển mối quan hệ Nhật-Trung lâu dài và ổn định, đáp ứng lợi ích của hai nước và lợi ích của nhân dân mỗi nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry trong buổi họp báo ngày 8/11 cho rằng đây là một giải pháp xây dựng. Ông Kerry cũng hy vọng “Xung đột và căng thẳng xe giảm. Việc cải thiện quan hệ này không chỉ có lợi cho hai nước mà cho cả khu vực”.
Chủ tịch Hiệp hội Nhật-Trung Hakunishi cho rằng việc hai bên đã nhấn mạnh trong văn bản chính trị bao gồm 4 điểm liên quan tới nhận thức chung về quan hệ hai nước là một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nhận thức chung này có làm cho mối quan hệ trước mắt giữa hai nước ấm lên, và chính quyền Thủ tướng Abe có bảo vệ cam kết này, tôn trọng thực hiện 4 nguyên tắc trong thỏa thuận không thì còn là vấn đề chưa biết trước được điều gì.
Chuyên gia nghiên cứu Đông Bắc Á của Hàn Quốc thì nhận định rằng đây là một thỏa thuận mang tính đại cục, phù hợp với lợi ích cơ bản của hai nước, có vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ Nhật-Trung.
Một nhà phân tích chiến lược người Ấn Độ nhận xét: Đây là một tiến bộ mới làm cân bằng hơn mối quan hệ Nhật-Trung, hai nước thông qua đối thoại và hiệp thương sẽ tránh được những nguy cơ căng thẳng không đáng có.
Bốn nguyên tắc cơ bản mà Nhật Bản và Trung Quốc đạt được đó là : Thứ nhất, hai bên xác nhận tôn trọng tinh thần và các nguyên tắc trong 4 văn kiện chính trị đạt được giữa hai nước trước đây. Thứ hai, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, hướng tới tương hai, hai bên đạt được một số nhận thức chung về việc khắc phục những trở ngại chính trị có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Thứ ba, hai bên xác nhận tồn tại bất đồng về chủ trương liên quan căng thẳng ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và vùng biển lân cận ở Biển Hoa Đông. Thứ tư, hai bên nhất trí thông qua các kênh khác nhau để dần khôi phục đối thoại về chính trị, ngoại giao và an ninh, nỗ lực xây dựng lòng tin chính trị./.