Hôm 14/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Nhật Bản- chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm châu Á nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khẳng định lại cam kết của Mỹ bảo vệ các đồng minh.
Ngoại trưởng John Kerry có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida để thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Hai bên cũng đề cập đến vấn đề bất đồng lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tương lai các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản.
Ông John Kerry lúc ở Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á của mình (ảnh: news.com.au) |
Ngại ‘dấn thân’ vào 1 cuộc chiến thực sự
Ông Kerry cũng khẳng định đã đến lúc chấm dứt các cuộc khẩu chiến với Triều Tiên: “Chúng tôi thực sự muốn hướng dư luận đến một lựa chọn khác tốt hơn. Chúng tôi không muốn dấn thân vào cuộc chiến của những lời cảnh báo hay khiêu chiến nữa. Đó đã là quá đủ rồi”.
Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các bên, trong đó có Mỹ, nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán sau bên, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 một cách toàn diện và cân bằng. Trung Quốc vẫn khẳng định quan điểm giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại, tham vấn và bằng các giải pháp hòa bình.
Tại Bắc Kinh, ông Kerry cũng khẳng định, nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, Mỹ sẽ không có lí do gì để duy trì khả năng phòng vệ được triển khai gần đây tại Alaska và Guam.
Mặc dù đã triển khai mọi biện pháp sẵn sàng đối phó với Triều Tiên nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 14/4 vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Triều Tiên yêu cầu nước này ngừng các hoạt động phát triển hạt nhân.
Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 13/4 cũng cho rằng, Seoul sẽ đẩy mạnh đối thoại với Triều Tiên, trong khi Bộ Thống nhất Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về việc nối lại hoạt động khu công nghiệp chung Kaesong.
Triều Tiên vẫn phản ứng gay gắt
Tuy nhiên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hôm 14/4 mạnh mẽ bác bỏ đề xuất đối thoại này của Hàn Quốc. Người phát ngôn Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên cho rằng, “đề xuất đối thoại của Hàn Quốc là một hành động nhằm che giấu những lỗi lầm của nước này đẩy khu công nghiệp Kaesong rơi vào khủng hoảng, đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước, che dấu chính sách đối đầu”.
Hãng thông tấn KCNA trích tuyên bố của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên hôm 14/4 cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc- nơi có 28.000 binh lính Mỹ đang đồn trú đã đưa ra một “hành động khiêu chiến không thể bỏ qua khác”, phỉ báng ngày lễ trọng đại của Triều Tiên - “Ngày của Mặt trời” 15/4 - ngày sinh của nhà lãnh đạo quá cố Kim Nhật Thành.
Những tuyên bố mới này cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó hạ nhiệt trong một sớm một chiều./.