Nếu các thông tin tình báo của Mỹ gần đây là đúng thì CHDCND Triều Tiên đã lên kế hoạch bắn thử không chỉ một mà nhiều tên lửa.

Khu vực và thế giới đã quen thuộc với những tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, nhiều tuyên bố gần đây lại mạnh mẽ và kéo dài một cách đặc biệt, khiến một số nhà phân tích tính đến khả năng một cuộc đụng độ vũ trang lại nổ ra giữa 2 miền Triều Tiên, vốn về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến 1950-1953 chỉ được khép lại bằng một hiệp định đình chiến.

Cho đến nay lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un vẫn khước từ lắng nghe các yêu cầu từ cộng đồng quốc tế, làm nhiều người băn khoăn liệu còn có ai có khả năng “tháo ngòi” cho cuộc khủng hoảng. Mọi con mắt đang đổ dồn lên Trung Quốc.

kim%20jong-un%20v%c3%a0%20li%20jianguo.jpg
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nhận thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ tay ông Li Jianguo được Trung Quốc phái tới Bình Nhưỡng hồi cuối năm 2012 (ảnh: KCNA)

Giới phân tích cho rằng, trong tất cả các cường quốc khu vực, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất đối với đồng minh truyền thống của mình. Quân đội Trung Quốc từng chiến đấu sát cánh bên lực lượng Triều Tiên trong Cuộc chiến khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên 6 thập kỷ về trước. Còn trong các năm qua, Trung Quốc đã cung cấp cho Triều Tiên rất nhiều nhiên liệu, lương thực và nhiều viện trợ khác nữa.

Việc Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên là dễ hiểu do nước này lo ngại viễn cảnh hàng triệu người Triều Tiên có thể vượt biên giới 1.400km giữa 2 nước để sang Trung Quốc, cũng như viễn cảnh bán đảo Triều Tiên sẽ được thống nhất dưới ngọn cờ của Hàn Quốc vốn là đồng minh thân cận của Mỹ.

Hiện nay mỗi khi có căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Đại sứ Mỹ thường đến đối thoại với Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Nói cách khác, chính tình hình Triều Tiên đã nâng vị thế quốc tế của Trung Quốc lên.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố rất rõ rằng, các nước không nên đẩy cả 1 khu vực vào khủng hoảng chỉ vì các lợi ích ích kỷ của mình – tuyên bố này được cho là ám chỉ không chỉ Mỹ.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Trung Quốc để nhờ Bắc Kinh có tác động thêm đối với người hàng xóm Triều Tiên.

Cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, Jon Huntsman, nói với CNN rằng, “dĩ nhiên là họ [Trung Quốc] sẽ dùng ảnh hưởng của mình… nhưng câu hỏi hiện nay là liệu Triều Tiên có nghe theo lời nhắc nhở của Trung Quốc hay không?” Ông Huntsman tin là so với trước đây, người Trung Quốc giờ có ít ảnh hưởng với Triều Tiên hơn.

Trong ban lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, chưa có ai gặp gỡ nhà lãnh đạo   Kim Jong-un cả.

Tháng 11/2012, Trung Quốc gửi Li Jianguo, 1 quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản TQ, sang Bình Nhưỡng để thuyết phục ông Kim hủy cuộc thử hạt nhân đã lên kế hoạch. Song rõ ràng, ông Li đã thất bại.

Từ đó đến nay chưa có trao đổi cấp cao nào nữa giữa Trung Quốc và Triều Tiên./.