Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền ông Biden đang ở Brussels (Bỉ) để gặp gỡ các ngoại trưởng từ các nước thành viên NATO, trước khi có các cuộc hội đàm sâu rộng với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 24/3.

“Cho dù phải đối mặt với một số thách thức mới như vấn đề khí hậu, an ninh mạng, sự nổi dậy của một số quốc gia, NATO cần hành động cùng nhau, hành động tập thể và dựa trên an ninh tập thể. NATO nên tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, ông Antony Blinken nói trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên NATO hôm 23/3.

Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, các ngoại trưởng đã thảo luận về việc “thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu giữa các đồng minh đối với các vấn đề như viễn thông và năng lượng”.

Các ngoại trưởng cũng tìm cách xây dựng “quan hệ đối tác mới” với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc để “đối phó với những hậu quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Jens Stoltenberg nói.  

Ngày 22/3, Anh, Canada, EU và Mỹ đã đồng loạt áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Đây được coi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền ông Biden có kế hoạch tập hợp các đồng minh để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đi kèm với các lệnh trừng phạt của Mỹ, ông Blinken nói rằng, Mỹ “cam kết đóng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, thông qua Đạo luật Magnitsky và các nỗ lực tương tự”.

Trung Quốc đã đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu bằng việc cấm 10 cá nhân và 4 thực thể châu Âu cùng các cá nhân liên quan nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Lệnh trừng phạt cũng nhằm vào Ủy ban Chính trị và An ninh Hội đồng châu Âu, bao gồm tất cả 27 đại sứ của 27 quốc gia thành viên tại Brussels, gia đình và nhân viên của họ./.