Hơn 40 năm sau khi lần đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S trong vai trò một sĩ quan hải quân trẻ tuổi, ngày 14/12 ông John Kerry đã một lần nữa quay trở lại Việt Nam, lần này là trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ để tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế giữa 2 nước.

kerry2-1.jpg
 Ông Kerry vào một cửa hàng tạp hóa để mua kẹo cho trẻ em khi ông quay trở lại thăm chiến trường xưa (Ảnh: Reuters)

Trước thềm chuyến đi, ông Kerry cho biết, ông “rất mong trở lại” để “chìm đắm trong âm thanh và hình ảnh của Việt Nam”. Ông thừa nhận, “hình ảnh những con trâu, những con rạch hẹp đến không ngờ, rừng đước, những người giăng câu trên ghe” vẫn in đậm trong ký ức ông.

“Điều gây ấn tượng nhất với tôi là Việt Nam đã thay đổi nhiều thế nào trong suốt 5 thập kỷ qua”, Ngoại trưởng Kerry nói trong đoạn video dài hơn 2 phút gửi tới người dân Việt Nam trước khi đến đây.

Ông Kerry cũng kể về lần đầu tiên trở lại Việt Nam năm 1991 khi đường phố “tràn ngập xe đạp và hầu như không có ô tô hay xe máy.” Ông gọi Việt Nam là “quốc gia hiện đại và đầy sinh lực” kể từ giai đoạn Mỹ gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nhấn mạnh tới tương lai và các “tiềm năng” mà hai nước có thể tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

Đóng góp không ngừng nghỉ cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ

Đây là lần thứ 14 ông quay trở lại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc nhưng lại là lần đầu tiên sau 13 năm. Lần đến Việt Nam gần nhất của ông Kerry là vào năm 2000 khi ông tháp tùng Tổng thống Bill Clinton, vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Kerry là một trung uý hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cuộc chiến đã cho ông Kerry thấy bài học đau thương về hậu quả khủng khiếp của chiến tranh, thấy rõ sự hy sinh vô nghĩa của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến sai lầm… Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, John Kerry trở thành biểu tượng phản chiến.Năm 1971, ông ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về chiến tranh Việt Nam. Câu chất vấn: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?" là một trong những câu nói nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Nhiều sinh viên, học sinh có mặt từ sớm tại bến tàu để chờ nghe Ngoại trưởng Mỹ phát biểu (Ảnh: AP)

Bước vào chính trường, John Kerry tiếp tục gắn liền với Việt Nam khi trong giai đoạn 1991 - 1993, ông giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Về tù binh và lính Mỹ mất tích. Khi đó, chiến tranh Việt Nam vẫn còn hết sức nhạy cảm, là vết thương nhức nhối của người Mỹ nên bước đi của Kerry có thể xem là một sự mạo hiểm về chính trị. 

Một số nghị sĩ hay cựu binh muốn thúc đẩy bình thường hóa hay cải thiện quan hệ ngay lập tức bị chỉ trích là phản quốc. Các cố vấn của ông Kerry khi đó đều khuyên ông nên tránh nhiệm vụ này, tuy nhiên ông Kerry vẫn dũng cảm đứng ra nhận nhiệm vụ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1991 cho đến năm 2000, Kerry đã đến Việt Nam 13 lần trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ, bắt đầu bằng các chuyến thăm để giải tỏa các vấn đề còn tồn tại về số phận của tù binh Mỹ và những người lính Mỹ mất tích.

Năm 1994, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề nghị của ông Kerry và ông John McCain gỡ bỏ cấm vận Việt Nam, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Tới năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Năm 2010, khi tổng kết lại 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông Kerry viết: “Mọi người dễ quên rằng bình thường hóa không hề đến nhanh hay dễ dàng. Đó là tiến trình gian nan đòi hỏi tầm nhìn, sự nỗ lực và nhượng bộ. Những người ủng hộ bình thường hóa có thể bị gán cho là phản quốc ở cả hai nước. Điều nghịch lý là thúc đẩy hòa bình và hòa giải giữa hai nước lại được dẫn dắt bởi những người tham chiến nhiều nhất - những cựu binh”.>> Xem thêm: Vài nét về John Kerry - ứng viên Ngoại trưởng Mỹ

Ngày 15/12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trở lại thăm vùng sông nước ở Cà Mau, nơi ông từng có mặt ở đây trong những năm 1968 - 1969 trong vai trò một sĩ quan hải quân Mỹ, và công bố dự án viện trợ cho việc ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực này.

Khi có mặt ở ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, ông Kerry nói: “Thật ngạc nhiên khi tôi có mặt ở đây ngày hôm nay. Cách đây nhiều thập niên, trên chính vùng sông nước này, tôi là một trong những người từng chứng kiến giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử chung của 2 nước chúng ta. Hôm nay, trên vùng sông nước này, tôi mang đến bằng chứng cho thấy 2 đất nước chúng ta có thể tiến gần lại với nhau như thế nào”.

Trước đó, khi chào đón Chủ tịch nướcTrương Tấn Sang tới thăm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 7/2013, ông Kerry cũng từng nói: "Tôi có thể cảm nhận sự năng động đáng kinh ngạc của người Việt Nam, chưa được khám phá, một cảm nhận về tinh thần sẵn sàng tham gia hội nhập với thế giới, và thế giới cũng rất sẵn sàng hội nhập với Việt Nam. Người Việt Nam đã học được từ chính lịch sử của họ rằng, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có tình bạn được gây dựng".