Hiroshi Nishiura, giáo sư về khoa học môi trường và sức khỏe tại Đại học Kyoto, và là chuyên gia mô hình toán học về bệnh truyền nhiễm, đã phân tích dữ liệu giải trình tự gen sẵn có tính đến ngày 26/11 tại tỉnh Gauteng, Nam Phi.

“Biến thể Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn và né tránh miễn dịch nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên”, ông Nishiura cho biết.

Thế giới đang lo ngại rằng Omicron có thể là một biến thể nguy hiểm hơn Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo biến thể Omicron có thể “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 tại Nam Phi tăng vọt sau khi biến thể Omicron xuất hiện vẫn chưa gây quá tải các bệnh viện ở nước này, làm dấy lên hy vọng rằng biến thể này chỉ gây ra bệnh nhẹ. Tuần này, Pfizer-BioNTech cho biết, mũi tăng cường của họ có thể tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.

Trong nghiên cứu mới, ông Nishiura đã sử dụng cùng phương pháp với một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Eurosurveillance vào tháng 7, vốn dự đoán sự áp đảo của biến thể Delta trước Thế vận hội Tokyo 2020.

Hàng trăm nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang chạy đua để tìm hiểu về biến thể mới. Omicron là biến thể khác biệt nhất trong số 5 biến thể mà WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại do sở hữu số lượng đột biến chưa từng có.  

Số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đã tăng vọt lên gần 20.000 ca/ngày kể từ khi quốc gia này ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên vào 2 tuần trước. Số ca nhiễm virus ở Nam Phi vẫn ở mức thấp trong những tuần trước đó dù chỉ 26% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

“Tại Nam Phi, tỷ lệ tiêm chủng dưới 30% và nhiều người đã có miễn dịch tự nhiên. Chúng ta cần theo dõi các xu hướng trong tương lai để xem liệu điều tương tự có xảy ra ở các quốc gia có tỷ lệ sử dụng vaccine mRNA cao hay không”, chuyên gia Nishiura nói./.